Cụ thể trong kỳ điều hành ngày 11/7, xăng E5RON92 giảm 3.103 đồng/lít, xăng RON95-II giảm 3.088 đồng/lít, dầu diesel 0.05S giảm 3.022 đồng/lít, dầu hỏa giảm 2.008 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S giảm 2.010 đồng/kg.
Giá xăng dầu có thể giảm sâu hơn?
Giá xăng dầu giảm, một trong những dịch vụ có thể giảm ngay là giá cước vận chuyển. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy việc giảm giá vận chuyển không hề dễ dàng. Theo ông Tạ Long Hỷ, Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, việc doanh nghiệp (DN) vận tải điều chỉnh giá cước lúc này là rất khó, bởi chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước chỉ trong 10 ngày, tại kỳ điều chỉnh giá lần này - xăng dầu giảm mạnh nhưng giả sử tại kỳ điều chỉnh giá sau (21/7) lại tiếp tục biến động tăng hoặc giảm, nên việc điều chỉnh giá ngay lúc này là điều không thể.
Dự báo nhóm hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng giá trở lại, tạo áp lực lên CPI. |
Chưa kể, ông Hỷ cho hay, giá cước vận tải so với giá xăng dầu luôn có độ trễ nhất định. Chẳng hạn, giá xăng dầu tăng liên tục thì phải sau hơn 3 tháng, các DN vận tải mới gửi đơn xin các sở ngành cho tăng giá cước. Thông thường, các DN gửi văn bản về các Sở GTVT, Sở Tài chính... chờ các cơ quan đó có ý kiến. Sau 10 ngày, nếu cơ quan quản lý không có ý kiến thì DN mới có thể tăng hoặc giảm.
Tương tự, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, DN không muốn, rất ngại điều chỉnh giá cước, ngay cả khi giá xăng dầu tăng mạnh bởi một lần thay đổi bảng giá, DN taxi sẽ mất phí đăng kiểm 100.000 đồng cho đồng hồ tính tiền, 30.000 - 40.000 đồng/bộ tem niêm yết giá cước, xe phải dừng hoạt động trong lúc chờ thay đổi bảng giá...
Hơn nữa, việc giá xăng dầu giảm mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày 11/7 chủ yếu do giá xăng dầu thế giới "lao dốc". PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), nêu quan điểm, trong khi thuế bảo vệ môi trường giảm thêm 1.000 đồng/lít xăng, 300 - 500 đồng/lít dầu, thì việc trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại kỳ điều hành này lại quá cao.
Cụ thể, với mặt hàng xăng, thuế bảo vệ môi trường giảm 1.000 đồng/lít nhưng nhà điều hành lại cho phép trích tới 950 đồng/lít vào Quỹ Bình ổn. Với các loại dầu, thuế bảo vệ môi trường giảm 500 - 700 đồng/lít nhưng lại phải nộp thêm 550 - 950 đồng/lít cho Quỹ Bình ổn. "Như vậy, giá xăng dầu ngày 11/7 giảm mạnh là nhờ giá thế giới giảm chứ chưa có tác động nhiều từ việc giảm thuế bảo vệ môi trường", ông Thế Anh nói. Đồng thời cho rằng, để chống lại sự tác động mạnh của lạm phát cần phải làm mọi cách để giảm thật nhanh giá xăng dầu.
Theo nhiều chuyên gia, thuế bảo vệ môi trường thu cố định nên mức giảm giá bán lẻ trong nước còn phụ thuộc vào biến động giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Vì vậy, để giá xăng dầu trong nước giảm sâu hơn nữa, cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Giá lợn hơi "nóng" trở lại
Bên cạnh đó, áp lực kiểm soát lạm phát của Việt Nam không chỉ đến từ giá xăng dầu, mà việc giá lương thực thực phẩm, nguyên vật liệu, chi phí sản xuất chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"... cũng được xem là yếu tố ảnh hưởng tới mặt bằng giá hàng hóa trong thời gian tới.
Tổng cục Thống kê mới đây cũng lưu ý Việt Nam có thể chủ động cung ứng lương thực trong nước nhưng khó tránh khỏi tác động bởi khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhất là khi nhóm lương thực thực phẩm chiếm 28% trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam. Dự báo nhóm hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng giá trở lại, tạo áp lực lên CPI.
Trên thực tế những ngày gần đây, sau nhiều tháng ổn định với mức giá 50.000 đồng/kg, giá lợn được điều chỉnh tăng rất mạnh, gần chạm mốc 70.000 đồng/kg. Khảo sát thị trường ngày 11/7 cho thấy, giá lợn hơi ở 3 miền đã tăng nhẹ từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, hiện thu mua trung bình từ 54.000 - 68.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các DN sản xuất đang phải gồng mình đối phó với bài toán chi phí nguyên vật liệu gia tăng, chi phí sản xuất bị đội lên cao.... Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, việc chuyển trạng thái từ phòng chống dịch sang trạng thái bình thường đã tạo ra rất nhiều mặt tích cực như tiêu dùng giấy các loại đã tăng 3,6%, nhập khẩu tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản xuất lại giảm nhẹ 1,1% và xuất khẩu giảm 3,2%.
Nguyên nhân là nguyên liệu sản xuất biến động tăng mạnh và liên tục. Giá bột giấy đến thời điểm tháng 6 đã thiết lập mức đỉnh: Bột giấy tẩy trắng gỗ cứng (BHKP) ở mức 830 USD/tấn, Bột giấy tẩy trắng gỗ mềm (BSKP) ở mức 1.088 USD/tấn. Giá bột giấy phế liệu (OCC) ở mức 270-280 USD/tấn.
Đồng thời, chi phí vận chuyển vẫn tăng cao và khó khăn vận chuyển dẫn đến nhiều đơn hàng bị pending (chưa giải quyết) và delay (chậm trễ) dài ngày. Thêm vào đó, giá than, xăng dầu, khí đốt... tăng đột biến và khan hiếm nguồn cũng tạo nên áp lực rất lớn cho chi phí giá thành sản phẩm.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho biết hiện nay một số tỉnh lại điều chỉnh tăng giá nước sạch cho sản xuất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khiến cho các DN thêm khó khăn. Đặc biệt, tỉnh Bình Phước đã có quyết định tăng từ tháng 6/2022 với mức tăng bình quân 6%/năm cho đến năm 2026, với mức tăng 22,5% so với giá nước hiện tại, trong khi giá nước của Bình Phước đã ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực...
Trước thực tế trên, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; Tăng cường công tác kết nối giữa địa phương và doanh nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang vào vụ thu hoạch. Đồng thời, phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
TS. Trần Hoàng Ngân Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Thời gian qua, việc điều chỉnh giá xăng dầu đã khiến nhiều loại hàng hóa khác tăng giá, có cả hình thức "té nước theo mưa". Vậy, nếu giá xăng dầu giảm, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp gì để kéo các mặt hàng khác giảm theo? Cơ quan quản lý cần nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ, giảm chi phí đầu vào cho DN, từ đó giúp DN giữ giá bán hàng hóa. Đồng thời cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bà Nguyễn Thu Oanh Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá Độ trễ lạm phát vào quý III, quý IV, cũng như năm 2023 là rất lớn. Một số yếu tố tác động vào CPI như giá nguyên nhiên liệu thế giới tăng cao mà Việt Nam phụ thuộc nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ thế giới nên tác động tới chi phí sản xuất của DN, giá thành sản phẩm đầu ra, từ đó đẩy CPI tăng cao, tạo áp lực lên nền kinh tế. Các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, tăng cường kiểm soát khâu trung gian; việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cần xem xét về tác động, thời gian phù hợp; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính Giá xăng dầu giảm đã làm vơi bớt nỗi lo tác động giá, giảm áp lực lạm phát vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế qua nhiều đợt tăng và giảm giá xăng cho thấy, các mặt hàng từng tăng theo xăng trước đây sẽ khó giảm. Đó là chưa kể dù giảm sâu nhưng giá xăng dầu hiện vẫn đang ở mức cao, giá đầu vào nguyên vật liệu của nhiều ngành hàng sản xuất đã tăng từ lâu trong khi việc tăng giá bán lại cần thời gian điều chỉnh dài. Vì vậy, mức giảm giá xăng dầu lần này chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng. |
Nhật Linh