Chiều 6/8, theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu Tổ công tác phía Nam của Bộ NN&PTNT (Tổ công tác 970) có buổi làm việc với UBND TP.HCM, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM nhằm tháo gỡ khó khăn nguồn nguyên liệu gia vị chế biến sản phẩm ăn liền.
Chuỗi thu mua ớt ở Tiền Giang bị đứt gãy, DN sản xuất mì ăn liền khó khăn. |
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết các nhà cung cấp của các doanh nghiệp (DN) sản xuất mì ăn liền đều mua nguyên phụ liệu ở dạng nguyên liệu tươi từ các đơn vị trung gian, thương lái thu mua lại của nông dân, sau đó sơ chế, làm sạch hoặc làm sạch, sấy khô rồi mới được vận chuyển đến các nhà cung cấp, các nhà cung cấp sẽ gia công thành các gói gia vị hoàn chỉnh và giao đến các DN sản xuất mì ăn liền để bổ sung vào quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm mì ăn liền hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, chi phí phát sinh như xét nghiệm hiện nay khá cao, nhiều chốt kiểm soát và thủ tục qua các chốt khó khăn, cộng với tâm lý tránh dịch vì chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nên đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân công thu hoạch, thương lái ngưng hoặc hạn chế thu mua cục bộ tại một số địa phương, dẫn đến nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá thành các nguyên phụ liệu hiện nay lên rất cao.
Cụ thể, mặt hàng ớt tươi, thị trường cung cấp chính cho các nhà cung cấp từ trước đến nay đều từ Tiền Giang, một số ít là từ Đồng Tháp, Củ Chi – TP.HCM (các công ty hiện nay đang gia công gia vị cho các DN sản xuất mì ăn liền như Acecook, Vifon,…) mỗi ngày đều nhập hơn 3.000kg ớt tươi từ Tiền Giang nhưng bị đứt gãy do khâu thương lái thu mua và vận chuyển.
Mặt hàng gừng, riềng, sả tươi: thị trường cung cấp chính cho các mhà cung cấp từ trước đến nay đều từ Định Quán - Đồng Nai nhưng hiện nay do những khó khăn như trên, các nhà cung cấp buộc phải chuyển sang thu mua nguồn nguyên liệu này từ Củ Chi - TP.HCM với giá cao hơn nhưng chất lượng không tốt bằng so với nguồn hàng từ Định Quán (các công ty hiện nay đang gia công gia vị cho các DN sản xuất mì ăn liền như Acecook, Vifon mỗi ngày thu mua khoảng trên 1.000kg các loại gia vị này).
Đối với mặt hàng hành lá: các nhà cung cấp đều lấy nguồn từ Ninh Bình, sau khi làm sạch, sấy khô sẽ được vận chuyện vào TP.HCM nhưng do khó khăn trong khâu lưu thông thời gian qua, nên nguồn hàng về TP.HCM bị hạn chế (mỗi ngày sử dụng hành sấy khô khoảng 3.000kg, hành tươi hơn 3.000kg)...
Bà Chi lo ngại, các nhà cung cấp các nguyên liệu đầu vào cho các DN sản xuất mì ăn liền hiện nay đang đối diện với nguy cơ phải thay đổi đơn vị cung cấp từ những nguồn, mối quen sang các nguồn khác với giá mua cao hơn nhưng chất lượng không tốt bằng và nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu sẽ thành hiện thực nếu các tỉnh này không có cơ chế hỗ trợ nông dân, lực lượng thu hoạch, thương lái thu mua được đảm bảo an toàn phòng dịch thông qua được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 và dễ dàng trong di chuyển qua lại giữa các địa phương trong tỉnh, cũng như tạo thuận lợi trong việc lưu thông qua các chốt kiểm soát.
Vì vậy, các DN sản xuất mì ăn liền chủ lực của TP. HCM đang đối diện với khó khăn cực kỳ lớn và nếu không được hỗ trợ giải quyết triệt để thì nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng mì ăn liền cho thị trường TP. HCM và cả nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đề nghị Tổ công tác 970 - Bộ NN&PTNT tháo gỡ, phối hợp chính quyền từng địa phương cụ thể đang cung cấp nguyên liệu cho các DN để thống nhất các phương án thu mua và tạo thuận lợi trong việc giao nhận.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 khẳng định, trong danh sách kết nối cung cầu nông sản của Tổ công tác đang có, nguồn cung nguyên liệu gia vị dồi dào, Tổ sẵn sàng kết nối ngay giúp Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM.
Thy Lê