Để đảm bảo cung ứng điện, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia đã phải huy động các tổ máy chạy dầu có mức giá cao từ ngày 17/4, trong đó ngày nhiều nhất đã huy động 2.498 MW chạy dầu với sản lượng là 14.659 triệu kWh.
Sẽ tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, nhu cầu điện tại miền Bắc chiếm gần 50% toàn quốc và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm trong giai đoạn 2022 - 2025 lại thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải.
Miền Bắc có thể thiếu điện từ 1.600 - 4.900 MW vào tháng 5, tháng 6 tới. |
Cụ thể, trong giai đoạn này, khu vực miền Bắc dự kiến chỉ đưa vào 1.427 MW, trong khi công suất cực đại toàn hệ thống điện quốc gia trong mùa Hè năm nay dự kiến tăng thêm 5.530 MW so với năm 2022. Dẫn tới, việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh, thiếu hụt cục bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng sản lượng nguồn thủy điện, nguồn nhiệt điện than nội, nguồn nhập khẩu giảm mạnh và được bù đắp bằng nguồn nhiệt điện than nhập, đặc biệt sẽ phải huy động thêm các nguồn điện dầu trong các tháng cao điểm mùa khô.
Trong trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra như: Công suất đỉnh (Pmax) miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (những ngày nắng nóng kéo dài); sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu… thì hệ thống miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh trong các tháng 5, tháng 6 với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600 – 4.900 MW.
Một trong những giải pháp để bổ sung nguồn điện, EVN cho hay đang đàm phán với Công ty Quốc tế Vân Nam – Trung Quốc để tăng sản lượng, công suất mua trên các đường dây 220kV hiện hữu và bổ sung mua điện thông qua đường dây 110kV. Đồng thời, tăng cường nhập khẩu điện từ Lào.
EVN cũng cho hay, đang đàm phán ký kết các hợp đồng mua bán điện từ Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, một số nhà máy thủy điện và các dự án điện tái tạo chuyển tiếp trên cơ sở thống nhất mức giá tạm thời để đưa vào vận hành.
Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, việc cung cấp điện sẽ gặp khó khăn do phụ tải tăng cao. Vì vậy, Bộ Công Thương yêu cầu EVN huy động hợp lý các nguồn điện hiện có, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải nhập khẩu điện từ các quốc gia láng giềng, đẩy nhanh quá trình đàm phán các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp…
Hàng nghìn MW điện sạch vẫn treo chờ cơ chế
Nắng nóng, thủy điện thiếu nước, than và khí cung ứng khó khăn… dẫn tới nguy cơ thiếu điện, nhưng nguồn năng lượng tái tạo với những trụ gió trăm tỷ vẫn đang “đắp chiếu” nằm chờ cơ chế. Mới đây, 23 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió tiếp tục có văn bản gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiến nghị tiếp tục chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đàm phán giá mua điện đối với các dự án đã hoàn thành đầu tư.
Trong kiến nghị này, các doanh nghiệp nêu ra thực tế đã có 28 nhà đầu tư nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán với Công ty Mua bán điện (EVN – EPTC). Tuy vậy, có nhiều hồ sơ nộp chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán, hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do thiếu các văn bản hướng dẫn các vấn đề còn vướng mắc làm cơ sở để thực hiện.
Đồng thời, EVN cũng đã có văn bản gửi tới EPTC về việc xem xét mức giá tạm thời lớn hơn/hoặc bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tại quyết định 21. Theo đó, các bên sẽ đàm phán, thống nhất áp dụng mức giá điện tạm thời cho đến khi có thỏa thuận chính thức.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư lo ngại rằng việc EVN ra điều kiện là nếu trong trường hợp giá tạm này được thanh toán, không hồi tố và trừ vào thời gian hợp đồng mua bán điện (PPA), thì đây sẽ trở thành giá điện thanh toán chính thức.
“Việc mua năng lượng tái tạo với mức giá trên là đi ngược lại hoàn toàn với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, cam kết của Chính phủ”, các nhà đầu tư bày tỏ lo lắng.
Liên quan tới những bất cập trên, chia sẻ với VnBusiness, GS. Trần Đình Long, Chuyên gia ngành điện cho rằng, trong trường hợp này các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo có thể nhờ cơ quan trung gian có thẩm quyền như Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Quản lý Giá… Nếu có giải trình minh bạch về các yếu tố cấu thành giá, cơ quan quản lý cần can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất.
Còn về vấn đề cung ứng điện trong mùa Hè đang tới, GS. Trần Đình Long cho rằng, nguy cơ thiếu điện, dẫn tới phải cắt giảm luân phiên có thể xảy ra nếu không giải quyết được bài toán nguồn điện và nhu cầu.
“Nếu thiếu điện xảy ra trầm trọng, cân bằng cung – cầu không đảm bảo, ảnh hưởng an ninh năng lượng thì bắt buộc phải cắt giảm luân phiên. Do vậy, ngành điện cần phải xây dựng các kịch bản tính đến yếu tố bất định, rủi ro, làm sao để các bên liên quan có sự chuẩn bị. Bên cung tăng khả năng phát bằng nguồn gì, bên cầu giảm nhu cầu ra sao để gặp nhau.
Theo TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), thiếu điện vào cao điểm nắng nóng thì năm nào cũng gặp, tuy nhiên năm nay do sản lượng điện sản xuất ra ít hơn và nắng nóng nhiều hơn nên nguy cơ thiếu hụt lớn hơn.
Hơn nữa, nguồn điện đang đối diện nguy cơ thiếu nhưng lại tồn tại nghịch lý là nhiều dự án năng lượng tái tạo “đắp chiếu”. TS. Lâm nhìn nhận, vấn đề này tồn tại đã lâu nhưng chưa được giải quyết, nguyên nhân do cơ chế giá và chính sách đang vướng.
“Bộ Công Thương cần tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội chính sách gỡ vướng các dự án này, nhằm đáp ứng cung – cầu của ngành điện”, ông Lâm kiến nghị.
Nhật Linh