Mặc dù lịch sử doanh nhân ra đời lâu như vậy, nhưng trong suốt chiều dài sinh tồn ấy, họ chưa bao giờ có chính danh trong hoạt động nhà nước và xã hội; phải đợi cho đến ngày 13/10 năm 2004 - như nhạc sĩ Trần Tiến nói: "bao nhiêu năm mới có một ngày" - Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải mới ký quyết định đóng dấu "khai sinh" cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam, và phải đến ngày 19/12/2011, Bộ Chính trị mới có Nghị quyết riêng về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Thực ra, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ đến ngày 13/10/2004 mới khẳng định vị trí của mình trong trách nhiệm của người lính xung kích thời bình đi đầu dẫn dắt sự nghiệp xây dựng kinh tế quốc dân, phồn vinh dân tộc, mà vì quyền lợi của chính mình, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày xưa cũng như ngày nay đã lôi cuốn, giúp đỡ tạo điều kiện cho người khác có công ăn việc làm, có thu nhập, hoặc cũng trở thành doanh nhân.
Là những người lính đi đầu làm cho dân giàu nước mạnh thì muốn hay không khi đã chấp nhận đứng vào đội ngũ này phải gánh trên vai sứ mệnh lịch sử khó khăn nhưng vinh dự đó.
Trong hai năm gần đây, khủng khoảng kinh tế thế giới kéo theo hệ lụy lạm phát, suy thoái, ách tắc lưu thông, giảm sút thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu thu hẹp… đã làm cho hàng trăm nghìn DN phá sản, doanh nhân lao đao. "Cục máu đông" trong thị trường bất động sản và những khoản đầu tư lớn không hiệu quả của một số DN và tập đoàn lớn nhà nước đã góp phần tăng thêm lo lắng hoang mang cho doanh nhân.
Phần lớn DN bị phá sản giải thể trong thời gian qua đa số là loại hình nhỏ mới thành lập trong thời kỳ lạm phát và cho vay chống suy thoái vào thời gian 2008 – 2009. Những doanh nhân, DN này thực sự chưa có nhiều kinh nghiệm "chiến đấu" trên thương trường nên khi gặp "bão tố", đã phải "hạ buồm xếp lái" rút lui, và cũng vì mới ra đời làm ăn nhỏ, nên vốn liếng còn nhỏ, tổn thất vì thế không lớn lắm. Còn lại các "chiến binh" dày dạn kinh nghiệm có thâm niên thương trường nhiều năm thì dù có bị sứt mẻ, chảy chút máu, đổ nhiều mồ hôi trí tuệ, bị chao đảo, nhưng kết quả cuối cùng, phần đông đã trụ được và đang lấy lại đà cho những hoạt động thời gian tiếp theo.
Doanh nhân cũng phải chấp nhận một sự thật là cơ hội cho việc đầu tư quá mạnh trong những năm cao trào 2008 - 2009 sẽ không bao giờ lặp lại. Quy luật cơ bản của kinh tế mới nổi là sự tăng trưởng đi kèm với lạm phát ở mức 6 - 7,5/năm là bền vững nhất; từ quy luật chung đó, mỗi doanh nhân, DN tùy theo năng lực riêng của mình nếu ai có phương án tốt, nắm bắt cơ hội, giỏi sử dụng được nhiều nguồn lực cho sản xuất kinh doanh thì sẽ có tỷ lệ thành công tương ứng, cao hơn trung bình từ 1,5 - 2 lần là giỏi lắm. Chính phủ, các cấp chính quyền, ban ngành địa phương đã có nhiều động tác thực tế cứu giúp doanh nhân, tuy tác dụng trực tiếp tới các đơn vị có mức độ khác nhau.
Chẳng có lỗi nào hay thành công nào là hoàn toàn do khách quan mang lại, ông cha ta có câu "Nói người hãy nghĩ đến ta. Thử sờ lên trán xem xa hay gần", hay "Tiên trách kỷ hậu trách nhân" mà. Trước tình hình hiện nay, kêu than cũng sẽ chẳng giải quyết được gì, buông lái thì thuyền chìm, có khó khăn mới biết được tài năng bản lĩnh doanh nhân.
Doanh nhân không chỉ nhanh nhạy nắm bắt cơ hội mà còn phải có chiến lược dài hạn, chiến thuật ngắn hạn. Doanh nhân mạo hiểm dám làm là rất quý, rất đáng ca ngợi, nhưng quan trọng hơn là phải biết làm và làm có hiệu quả.
Cơ hội "ngủ một đêm tỉnh dậy trở thành tỷ phú" đã qua, nếu có trở lại có lẽ (theo quy luật thống kê) cũng hàng thập niên nữa may chăng mới có. Hãy xác định đúng chính xác tài năng trí tuệ, năng lực và vị trí đang đứng của mình để đưa ra những phương án phù hợp với thị trường xã hội trong và ngoài nước hiện nay.
Đó là: Kinh tế thị trường đã được xác lập và đang hoàn thiện trên đất nước ta, đồng thời chúng ta hội nhập ngày càng sâu với kinh tế thế giới, phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới. Bằng chứng là hàng của Việt Nam xuất khẩu ra trên 120 thị trường thế giới với giá trị trên 110 tỷ USD/năm (hàng nhập cũng tương đương như vậy), điều này chứng tỏ đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi, tự trang bị cho mình kiến thức kinh nghiệm hội nhập, làm ăn với thế giới.
Thật vui mừng khi cả nước vẫn còn hơn 500.000 DN trong đó hơn phân nửa có thâm niên nghề nghiệp trên 10 năm. Trong đội ngũ doanh nhân ấy không chỉ là những cựu doanh nhân khai sáng, mà đã có nhiều doanh nhân đời thứ hai, có một số ít đời thứ ba kế tục đàn anh. Đã xuất hiện không ít người trẻ dưới 30 tuổi đứng ra thành lập DN, là những người không chỉ có "máu" kinh doanh mà còn có học vấn cao, kiến thức hiện đại tiếp thu được trong nhà trường, lại kế thừa kinh nghiệm từ thực tế của ông cha, đàn anh. Họ tiếp thu sử dụng tốt máy móc công nghệ mới, nắm bắt nhanh, xử lý kịp thời những vấn đề của thị trường, hội nhập toàn cầu trong sản xuất kinh doanh của mình.
Trong các buổi họp mặt doanh nhân Việt Nam không chỉ có các "cựu chiến binh", những "tỷ phú chân đất", những "doanh nhân nhà nước", mà có rất nhiều doanh nhân trẻ U30, U40, và đặc biệt nữ giới chiếm tỷ lệ khá cao, thật là điều rất mừng. Đây là báo hiệu một tương lai tốt đẹp của nền kinh tế nước nhà, với nhiều kỳ vọng nhiều ở họ.
Người có giỏi mới làm được việc khó. Người ta đã tổng kết 20% người giỏi tạo ra 50% hiệu quả của DN, một mình doanh nhân giỏi chưa đủ, phải tập hợp được đội ngũ nhiều người giỏi trong DN. Tâm có sáng mới thu, giữ được người tài, chí có bền mới vững vàng trước khó khăn. "Người lính xung kích" thời nào cũng gian khổ nguy hiểm, đòi hỏi hy sinh, chí không bền không thể vượt lên; tâm trong sáng sẽ làm cho tài phát triển.
Có tài có mệnh, có tâm có thời, lo gì không giàu sang phú quý. Dù chưa phải "đại gia", nhưng nếu là doanh nhân được mọi người tôn vinh, quý trọng thì cũng đáng làm, đáng tự hào lắm sao!
------------------------------------
Điều quan trọng nhất để DN có thể vượt khó
Ông Trương Đình Tuyển - Chuyên gia kinh tế
------------------------------------
Tôi cho rằng giải pháp chúng ta đang kỳ vọng là chương trình tái cơ cấu nền kinh tế. Trong trọng tâm này, chúng ta sẽ thay phát triển theo chiều rộng - vốn là môi trường rất dễ tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô, trong đó có vấn đề lạm phát cao bằng cách phát triển theo chiều sâu (dựa vào năng suất, hiệu quả sử dụng các nguồn lực vốn, hiệu quả sử dụng đất, lao động, khoa học công nghệ). Đặc biệt là lưu ý cơ cấu lại đầu tư, trong đó có đầu tư công để nâng cao hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, để xử lý giải pháp căn cơ này cần có thời gian, có thể là 5 năm hoặc 10 năm để thực hiện chương trình tái cơ cấu tổng thể như vậy. Đối với vấn đề trước mắt, cần cải thiện tổng cầu của nền kinh tế, đặc biệt là tập trung cải thiện tổng cầu tiêu dùng.
Theo đó, có 2 nhóm giải pháp: thứ nhất, xác định nguyên nhân khiến sức mua tăng chậm, đó là do mặt bằng giá quá cao so với cầu có khả năng thanh toán. Do đó, chúng ta phải làm sao đưa mặt bằng giá xuống phù hợp với cầu có khả năng thanh toán, gắn với đó là củng cố niềm tin tiêu dùng. Thứ hai, tăng cầu có khả năng thanh toán, tức là tăng thu nhập của người tiêu dùng, thông qua đó giải quyết được vấn đề tiêu thụ hàng hóa, tiêu thụ hàng tồn kho, giúp cho DN bước vào vòng quay mới, tránh tình trạng phải giải thể hay ngừng hoạt động.
DN vẫn rất khó khăn do tiếp cận nguồn vốn
Bà Hoàng Thị Hồng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Hải Bình
------------------------------------
Vừa qua, với sự can thiệp của Nhà nước trong cắt giảm lãi suất cho DN, nhưng tôi cho rằng thực sự DN vẫn rất khó khăn do tiếp cận nguồn vốn quá khó, bởi với khó khăn nền kinh tế như hiện nay, DN rất khó thu hồi vốn để đáo hạn ngân hàng và để vay tiếp. Tôi thiết nghĩ ngân hàng nên khoanh nợ và cho DN tiếp cận nguồn vốn mới giúp họ phát triển, có như vậy họ mới có thể trả được cả nợ cũ và mới. Tôi lấy ví dụ như một DN dệt may vay vốn ngân hàng với mức lãi suất thấp để mua một lô hàng sợi nguyên liệu, nhưng khi lãi suất ngân hàng lên cao, hàng bán ra không tăng giá hoặc bán chậm thì đương nhiên DN chịu thiệt. Vì vậy, Chính phủ và ngân hàng nên tạo điều kiện hơn nữa để DN tiếp cận được nguồn vốn một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước nên cắt giảm một số loại thuế như thuế thu nhập DN… tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Với những biện pháp này, tôi tin sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh hiện nay và là động lực kích thích nền kinh tế dần ổn định.
Đỗ Liêm