Thời gian qua, các doanh nghiệp thủy sản đã và đang gặp vướng mắc lớn về các quy định liên quan đến hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm khi nhóm sản phẩm này bị áp vào danh mục có tên là "kiểm dịch".
100% lô hàng thủy sản nhập khẩu phải kiểm dịch. |
Bất cập vướng mắc kể trên đã tồn tại trong 6 năm qua và chưa được rà soát, sửa đổi. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp và nghiên cứu chuyên môn của các chuyên gia, VASEP cho rằng hoạt động kiểm tra nhà nước đối với hàng thủy sản nhập khẩu được thực hiện theo các quy định tại các Thông tư về “kiểm dịch” của Bộ NN&PTNT, bao gồm Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT (TT26/2016), Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT (TT36/2018) và Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT (TT11/2021) là chưa đúng bản chất của hoạt động kiểm tra này với nhóm sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm.
Với các Thông tư nêu trên, các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuỷ sản (dưới dạng: đông lạnh, hàng khô, nấu chín, ăn liền…; chủ yếu là chế biến đông lạnh) vẫn đang tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch, khiến quy mô, số lượng lô hàng phải kiểm dịch là rất lớn khi gần như 100% các container hàng phải kiểm tra trước khi thông quan.
Việc duy trì mở rộng các đối tượng/danh mục “hàng chế biến” làm thực phẩm phải kiểm dịch được quy định tại 03 Thông tư trên là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện hành.
Về bất cập trong thực tiễn, VASEP cho hay có sự khác biệt trong chính quy định kiểm tra thuỷ sản xuất khẩu và thuỷ sản nhập khẩu. Đồng thời có sự khác biệt trong kiểm tra sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia khác.
Hiện có trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam (hơn 85% là chế biến đông lạnh, số còn lại là đồ hộp, hàng khô…) để dùng làm thực phẩm cho người đều chỉ áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các lô hàng sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam và các nước xuất vào, và gọi rõ là kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu với nhóm sản phẩm này. Còn quy định của Việt Nam thì gọi là “kiểm dịch”.
Các lô hàng sản phẩm thủy sản xuất khẩu (của Việt Nam và nhiều nước) được cấp giấy “chứng nhận an toàn thực phẩm (Health Certificate)” chứ không phải là “chứng nhận an toàn dịch bệnh (Veterinary Certificate)”.
Theo VASEP, từ 2016 đến nay, Chính phủ đã có các Nghị quyết 19 và 02 về cắt giảm danh mục kiểm tra, quản lý rủi ro, hậu kiểm... Trong đó có quyết nghị ghi rõ việc rà soát, sửa đổi nội dung kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu, phân biệt kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm.
"Tuy nhiên, đi ngược lại với các Nghị quyết của Chính phủ, từ 2010 đến nay, càng về sau thì đối tượng “kiểm dịch” và chỉ tiêu “kiểm dịch”trong danh mục sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu phải “kiểm dịch” càng mở rộng hơn mà không có sự thay đổi đáng kể nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh", VASEP đánh giá.
Thy Lê