Ở Tp.Đà Nẵng, như chia sẻ mới đây của ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại thủy sản Thuận Phước, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thủy sản hiện tăng 20-30% và có những thời điểm không có đủ nguồn cung.
Doanh nghiệp gần như “đuối sức”
Điều này làm tổng chi phí của các DN xuất khẩu (XK) thuỷ sản tăng cao trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm và nguồn cung nguyên liệu mới chỉ bảo đảm được 50% so với công suất thực tế, dẫn đến nguy cơ không giao hàng đúng hạn.
Các doanh nghiệp chế biến XK thuỷ sản ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang “đuối sức” vào thời điểm cuối năm và cần sự tiếp sức nhanh, hiệu quả. |
Còn tại Tp.Cần Thơ, theo ông Võ Văn Phục, Giám đốc CTCP Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood), chi phí vận chuyển tàu biển hiện tăng cho các tuyến đi EU và Bắc Mỹ đang tăng quá cao làm cho phía công ty gia tăng chi phí hơn 200 triệu đồng cho mỗi container 40 feet.
Chưa kể việc chậm trễ và các chi phí phát sinh khác, như lo lắng của ông Phục, chi phí phòng chống dịch tăng lên khủng khiếp và lượng công nhân ngày càng giảm vì DN gặp khó khăn về lao động do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Cần Thơ và các tỉnh Tây Nam Bộ.
Trong khi đó, ở Bạc Liêu, tính đến hết tháng 11/2021 kim ngạch XK tôm đông mới chỉ đạt 688,57 triệu USD. Điều đó khiến cho mục tiêu đạt trên 880 triệu USD vào cuối năm nay có thể sẽ khó hoàn thành, nếu như hoạt động XK tiếp tục gặp khó trong bối cảnh nhiều DN gần như “đuối sức”, tạm ngưng hoạt động khi có quá nhiều công nhân đang là F0.
Việc sản xuất, chế biến, vận chuyển hàng hóa của các DN thuỷ sản tại địa phương gặp nhiều khó khăn, chi phí logistics gia tăng, thiếu hụt lao động, đặc biệt là chi phí phát sinh từ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã làm suy giảm lợi nhuận và năng lực cạnh tranh.
Các DN chế biến XK tôm tại tỉnh này bày tỏ sự tiếc nuối khi thời điểm cuối năm này, đáng lẽ là “cơ hội vàng” từ nhu cầu thị trường Giáng sinh, tết Dương lịch và các lễ hội lớn ở các nước EU, Bắc Mỹ đã bị cản đường bởi “bóng ma” Covid-19.
Quan sát tình hình hiện tại, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta, cho biết trong Quý 4/2021 này miền Tây đang oằn mình chống dịch. Các cơ sở sản xuất đau đầu vì số ca nhiễm phát hiện ra hàng ngày.
Nhất là số người lao động trong các DN thuỷ sản bị vơi dần vì dính dáng các ca nhiễm xảy ra. Như các DN chế biến thuỷ sản XK trong Khu công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng, từ đầu tháng 10/2021 đến nay đã giảm trên 4.000 lao động với lý do nêu trên.
Ngoài vấn đề mà các DN thuỷ sản đang gặp phải tại một số địa phương như vậy, số liệu XK thuỷ sản trong cả nước tính đến cuối tháng 11/2021 vẫn được ghi nhận ước đạt gần 8 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Xin đừng cản đường
Tuy nhiên, việc sụt giảm kim ngạch ở thị trường lớn như Trung Quốc vẫn là điều đáng lo ngại. Tình hình kiểm soát khắt khe của hải quan Trung Quốc, cùng với việc tạm ngưng dịch vụ cảng biển tại nước này khiến cho hàng XK thủy hải sản Việt bị ảnh hưởng lớn.
Theo dự báo trong quý 4/2021, XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm sâu, có thể chỉ đạt 242 triệu USD (sụt giảm 40% so cùng kỳ năm ngoái) và cả năm 2021 có thể đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm 26% so với năm ngoái.
Như phản ánh của các doanh nghiệp XK thuỷ sản ở Bạc Liêu, những tháng gần đây họ gặp khó với thị trường Trung Quốc vì nước này triển khai hàng loạt các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư XK.
Trước những khó khăn của các DN thuỷ sản, điều mà họ cần trong thời điểm cuối năm này chính là sự tiếp sức nhanh chóng, hiệu quả từ việc giảm các chi phí, các cải thiện ở khâu chính sách và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý.
Thế nhưng, việc tiếp sức này xem ra vẫn còn không ít nghi ngại. Chẳng hạn như mới đây, khi góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề cập đến “phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản” chỉ giảm 10% (điểm 30 Phụ lục).
Rõ ràng, việc giảm mức phí là quá ít ỏi trong khi cũng là phí thẩm định điều kiện kinh doanh để cấp giấy phép kinh doanh, nhưng trong phụ lục của dự thảo có một số mức phí, lệ phí của các hoạt động có tính chất tương tự nhau nhưng mức giảm lại khác nhau. Chẳng hạn như lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng giảm 50% (điểm 2 Phụ lục).
Cho nên VCCI đề nghị, cân nhắc điều chỉnh mức giảm của các loại phí trên tương tự nhau và ở mức 50%.
Ngoài ra, vào cuối tháng 11/2021 vừa qua, phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) đã gửi thư khẩn thiết lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ báo cáo về vướng mắc lớn nhất của cộng đồng thủy sản hiện nay, đó là hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm lại bị áp vào danh mục “kiểm dịch”.
Theo đó, bất cập này đã tồn tại suốt 6 năm qua và chưa được rà soát, sửa đổi. Vasep cũng đề nghị sớm hoàn tất việc số hóa thủ tục kiểm dịch nhập khẩu để đưa các thủ tục này lên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia, không bắt buộc DN phải nộp hồ sơ giấy.
Thế Vinh