Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng sản xuất và tiêu thụ thép vẫn sẽ có bước tăng trưởng trong năm 2020 bởi Việt Nam đang hội nhập rất mạnh – cơ sở cho doanh nghiệp (DN) Việt thúc đẩy xuất khẩu (XK) sang các nước hơn nữa. Cùng với đó, trong nước, thị trường bất động sản (BĐS) còn dư địa phát triển nên ngành thép vẫn có cơ hội tăng trưởng. Quan trọng là DN cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và đa dạng hóa thị trường để nắm bắt cơ hội.
Xuất khẩu lao đao
Theo đánh giá của VSA, sản xuất thép trong nước năm 2019 tương đối ổn định về giá và thị trường các sản phẩm. Tăng trưởng sản xuất và bán hàng thép trong 11 tháng đầu năm lần lượt đạt 4,1% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI cũng cho thấy sau một năm 2018 lạc quan với mức tăng trưởng sản lượng thành phẩm đạt 10%, sản lượng tiêu thụ thép duy trì hiệu suất ổn định trong 4 tháng đầu năm 2019 với tổng mức tăng trưởng sản lượng đạt 11% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 15% so với cùng kỳ, do các hoạt động xây dựng từ các dự án của các năm trước và việc giá thép phục hồi khuyến khích các đại lý tích lũy hàng tồn kho.
Tuy nhiên, nhu cầu chững lại đáng kể từ tháng 5-11/2019 ở cả thị trường trong nước và XK, trong đó sản lượng tiêu thụ trong nước tăng vừa phải ở mức 3,5% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, sản lượng tiêu thụ thành phẩm trong 11 tháng năm 2019 tăng 3,5% đạt 15,4 triệu tấn, trong đó thép xây dựng đạt 9,7 triệu tấn, tăng 6,5%; sản lượng thép ống và tôn mạ không thay đổi đạt 5,6 triệu tấn.
Theo các chuyên gia SSI, nguyên nhân khiến ngành thép tăng trưởng thấp là do XK bị ảnh hưởng bởi xu hướng bảo hộ.
“Năm 2019 là một năm khó khăn đối với XK thép. Mặc dù sản lượng XK thép xây dựng đạt mức tăng trưởng nhẹ 1,6% trong 9 tháng đầu năm 2019, ngược lại sản lượng XK thép ống và tôn mạ giảm đáng kể đến 19% so với cùng kỳ do sự lan rộng của xu hướng bảo hộ giữa các quốc gia để áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép”, SSI đánh giá.
Chẳng hạn, tại một số thị trường XK lớn nhất của Việt Nam như Mỹ và EU đã giảm mạnh về sản lượng với mức giảm 44%, chỉ chiếm 10% tổng sản lượng tiêu thụ trong 9 tháng so với mức 19% của cùng kỳ năm 2018.
Đánh giá về thị trường XK trong năm 2019, VSA cho rằng áp lực cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt ở khu vực Đông Nam Á, khi các nhà máy thép Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi thị trường XK. Để giữ được mức tiêu thụ XK, DN ngành thép chấp nhận giảm bớt biên lợi nhuận. Đó cũng chính là lý do dù số lượng XK thép tăng nhưng doanh thu lại sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong nước, thị trường BĐS trầm lắng hơn cũng khiến giá thép giảm với xu hướng giá toàn cầu giảm, dẫn đến thua lỗ ở một số công ty sản xuất thép xây dựng.
Giá thép giảm ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép hiện tại, nhiều công ty đã giảm sâu tỷ suất lợi nhuận hoặc thua lỗ và phải cắt giảm sản lượng sản xuất, dẫn đến mất thị phần.
Sản lượng tiêu thụ thép khó có thể phục hồi mạnh mẽ trong năm 2020 |
Sản lượng khó phục hồi mạnh
Nhiều chuyên gia nhận định năm 2020, riêng với nội địa, thị trường BĐS còn dư địa phát triển nên ngành thép vẫn có cơ hội tăng trưởng, nhưng mức tăng sẽ không cao.
Đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu – Phân tích chứng khoán VietinBank cho thấy ngành thép mang tính chu kỳ và có sự phụ thuộc vào thị trường xây dựng và BĐS. Bên cạnh đó, định hướng của Việt Nam vẫn hướng tới các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng còn rất lớn với các đại dự án đang được xem xét triển khai như đường cao tốc, đường sắt Bắc – Nam, các tuyến đường trên cao nội đô, hệ thống tàu điện ngầm… Với mức tương quan đó, ngành thép được dự báo tăng trưởng khoảng 9% trong năm 2020.
Trong khi đó, nhóm phân tích của SSI ước tính tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành tiếp tục ở mức thấp từ 5-7% trong năm 2020 do sự trì trệ ở thị trường BĐS cùng với đầu tư công chậm. Tuy nhiên, việc gia tăng giải ngân nguồn vốn FDI có thể là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu thép.
Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, xu hướng chiếm lĩnh thị phần trong mảng thép xây dựng có thể tăng tốc theo hướng có lợi cho các công ty lớn với lợi thế đáng kể về chi phí sản xuất, vận chuyển và hệ thống phân phối như Tập đoàn Hòa Phát. Tuy nhiên, do tỷ suất EBITDA (lợi nhuận hoạt động của DN trước lãi vay, thuế và khấu hao) của nhiều nhà sản xuất gần bằng 0, SSI cho rằng áp lực giảm giá thép không quá lớn, do các công ty nhỏ hơn và không hiệu quả có thể chọn cắt giảm sản lượng sản xuất khi doanh thu không thể bù đắp được chi phí.
So với thép xây dựng, thị trường tôn mạ có thể ổn định hơn trong năm 2020, do các công ty lớn nhất không có kế hoạch mở rộng công suất trong năm tới.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ trên toàn thế giới, Việt Nam có thể gia hạn các mức thuế bảo hộ cho thép dài trong năm tới. Mức thuế hiện tại là 17,3% đối với phôi thép dài và 10,9% đối với thép xây dựng. Điều đáng chú ý là ngay cả trong trường hợp thuế không được gia hạn, áp lực từ Trung Quốc tăng không đáng kể, do giá thép hiện tại ở Trung Quốc không chênh lệch nhiều với giá thép ở Việt Nam.
Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép ở các công ty sản xuất lớn nhất thế giới và có tác động gián tiếp đến giá thép trong nước ở Việt Nam. Theo VSA, nhu cầu thép ở Trung Quốc trong năm 2020 ước tính tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ước tính là 7,8% trong năm 2019.
Do đó, tổng mức tăng trưởng nhu cầu thép thế giới ước tính đạt 1,7% trong năm 2020, giảm từ 3,9% trong năm 2019. Công suất tăng đáng kể trong khi nhu cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là thép xây dựng, có thể gia tăng sức ép cạnh tranh cho thị trường trong nước và làm giá thép trong nước biến động mạnh hơn.
Thanh Hoa
Ts. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Ngành thép hiện tồn đọng nhiều vấn đề, trước hết là độ chênh giữa nhu cầu nội địa và khả năng sản xuất. Bên cạnh đó, thách thức từ cạnh tranh khi liên tiếp các nước sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước… Do đó, DN ngành thép cần nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác. Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của WTO và các FTA đã ký kết để bảo vệ ngành thép Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu. Đồng thời, thúc đẩy các dự án trọng điểm ngành thép triển khai đúng kế hoạch: Dự án thép Nghi Sơn của CTCP thép Nghi Sơn và Dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi của Tập đoàn Hòa Phát. Ông Nguyễn Văn Sưa - Nguyên Phó Chủ tịch VSA Việc ngành thép bị áp thuế để chống lẩn tránh thuế từ các nước đã không còn mới. Do vậy, các DN lớn, có thế mạnh đã chủ động đa dạng hóa thị trường và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Việc chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ vừa tăng sức cạnh tranh, vừa giúp DN thoát mối lo áp thuế chống lẩn tránh thuế từ các thị trường, từ đó sẽ đẩy mạnh sức tăng trưởng của ngành thép. |