Được coi là "ngôi sao sáng" trong ngành thép, song ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát, thừa nhận các doanh nghiệp ngành thép đang đứng trước khó khăn rất lớn. "Chưa khi nào ngành thép thế giới và Việt Nam gặp khó khăn như vậy. Giá quặng sắt vượt 120 USD/tấn, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước", ông Long cho hay.
Lợi nhuận "chìm" vì giá nguyên liệu
Thời gian qua, các doanh nghiệp thép trong nước không chỉ liên tục hứng chịu các vụ điều tra nguồn gốc xuất xứ có đầu vào và đầu ra liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới Trung Quốc và Mỹ, mà còn đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao.
Hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có Formosa sản xuất và đáp ứng được một nửa nhu cầu ngành, còn lại phải nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…
Số liệu từ Hiệp hội thép (VSA) cho biết giá quặng sắt loại 62%Fe ngày 7/7/2019 giao dịch ở mức 115-116 USD/ tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 15USD/tấn so với hồi đầu tháng 6/2019, và tăng 40 USD/tấn so với cuối năm 2018.
Theo các doanh nghiệp ngành thép, giá quặng sắt chiếm 30- 35% chi phí sản xuất thép, do đó khi giá nguyên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính quý II của hàng loạt doanh nghiệp ngành thép có tiếng đều ghi nhận con số sụt giảm. Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cho biết doanh thu quý II đạt 15.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt doanh thu 30.263 tỷ đồng, tăng 11% so với nửa đầu năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 12,77%, còn khoảng 3.860 tỷ đồng.
Thép Pomina (POM) cũng chưa công bố kết quả kinh doanh quý II, trong khi quý I đã lỗ gần 84 tỷ đồng. Số lỗ này làm kết quả công ty giảm sút mạnh so với số lãi 209 tỷ đồng đạt được quý I/2018.
Ống Thép Việt Đức (VGS) báo cáo đạt 3.463 tỷ đồng doanh thu nửa đầu năm, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 28 tỷ đồng, giảm 11,7%.
Thép Tisco (TIS) đạt 5.486 tỷ đồng doanh thu, giảm 5,4% so với 6 tháng đầu năm 2018 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 10,5%, còn 38 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Tập đoàn Hoa Sen, trong quý II/2019, doanh thu thuần đạt 6.911 tỷ đồng, giảm mạnh 751 tỷ đồng và giá vốn bán hàng đạt gần 6.129 tỷ đồng, giảm đến 469 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận gộp giảm 256 tỷ đồng.
Ngành thép Việt đang đối mặt với nhiều thách thức |
Khó khăn bao trùm ngành thép
Theo lãnh đạo của các doanh nghiệp thép, nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh sụt giảm là do giá nguyên liệu thép liên tục tăng cao, trong khi giá thành sản phẩm không tăng.
Đại diện Pomina cho biết chi phí giá vốn quá lớn khiến lợi nhuận gộp giảm sâu so với cùng kỳ. Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen cũng cho rằng lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2019 sụt giảm là do "giá thép thị trường thế giới và thị trường nội địa diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi".
Có thể thấy, kể từ cuối năm 2018 đến nay, sự biến chuyển với tốc độ "chóng mặt" của các doanh nghiệp thép, từ mức lợi nhuận cao chuyển sang thua lỗ, xảy ra với cả công ty thương mại nhỏ cho tới tập đoàn sản xuất lớn.
Không ít công ty chuyển từ việc xây dựng nhà máy, mở rộng chuỗi cửa hàng phân phối sang cắt giảm, đóng cửa và thậm chí phải bán bớt tài sản. Một số công ty phải nhờ tới sự trợ giúp của các cổ đông chiến lược nước ngoài để hỗ trợ về vốn và tái cấu trúc.
Nhận định về triển vọng của các doanh nghiệp thép những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng còn nhiều yếu tố tác động đến ngành thép. Ngoài giá nguyên liệu chưa có dấu hiệu giảm, chênh lệch tỷ giá cũng làm doanh nghiệp thép khó khăn hơn.
Trong khi đó, giá thép trong nước lại không được điều chỉnh kịp thời theo tín hiệu đầu vào. Chưa kể, ngành thép là nguyên liệu phụ trợ cho ngành xây dựng, nhưng hiện nay đã có những dấu hiệu tạo đỉnh đi xuống.
Đánh giá về thị trường 6 tháng cuối năm, ông Long cho rằng với tình hình giá quặng nếu vẫn tiếp tục cao như hiện tại và thị trường xây dựng chưa khởi sắc, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Chia sẻ thêm, ông Long cho hay, giá quặng mua trung bình theo tháng nên nếu không có sự đột biến của giá quặng thì biên lợi nhuận gộp của Hoà Phát trong năm nay sẽ không thể cải thiện. "Hoà Phát sẽ hoàn thành kế hoạch năm, còn nếu vượt kế hoạch thì sẽ không vượt cao", ông Long cho hay.
Báo cáo của công ty CP Chứng khoán MB phân tích, ngành thép ở Việt Nam là tích cực trong dài hạn do môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Chính phủ và dòng vốn FDI tiềm năng chảy vào quốc gia. Tuy nhiên, chiếc bánh thị phần ngành thép không chia đều cho tất cả, doanh nghiệp yếu kém sẽ phải đối diện nguy cơ bị gạt bỏ.
Thanh Hoa