Theo Bộ Công Thương, trong các hiệp định thương mại (FTA) đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia, các sản phẩm thép trong nước gần như không được bảo hộ (trừ thép xây dựng), nên cơ hội để phát triển ngành thép không nhiều.
Áp lực cạnh tranh với thép Trung Quốc
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy lũy kế 7 tháng năm 2019, lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 8,39 triệu tấn, trị giá 5,64 tỷ USD, tăng 4,3% về lượng nhưng giảm 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Kết thúc tháng 7/2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 3,64 triệu tấn, trị giá đạt 2,19 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và giảm 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đánh giá các hàng rào thuế quan để bảo hộ sản xuất ngành thép trong nước không còn nhiều khiến ngành thép Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với thép nhập khẩu.
Đồng thời, ngành thép Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi có hiện tượng bán phá giá và lẩn tránh thuế từ các loại sản phẩm nhập khẩu. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, ngành thép toàn cầu phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất do sự đầu tư nóng của ngành thép Trung Quốc.
Các nước đã nỗ lực để cắt giảm công suất, tuy nhiên đến năm 2018, dư thừa công suất vẫn ở mức cao, riêng Trung Quốc hàng năm dư thừa công suất và phải xuất khẩu hơn 100 triệu tấn thép (gấp gần 4 lần tiêu thụ thép của Việt Nam), gây áp lực lớn cho ngành thép Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Trung Quốc đang gặp vấn đề về dư cung và khó khăn trong XK sang thị trường Mỹ nên nhiều khả năng các DN thép nước này sẽ tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ sang các nước khác, nhất là Việt Nam.
Với sản phẩm thép cán nóng, các DN Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ nên phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc.
Việc thép Trung Quốc vào Việt Nam không chỉ đe dọa đến nền sản xuất thép trong nước của Việt Nam mà đáng lo ngại hơn là nguy cơ lẩn tránh nguồn gốc, xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan khi XK đi nước khác, đặc biệt là Mỹ.
Kiến nghị không cấp phép dự án đầu tư mới vào ngành thép |
Thận trọng cấp phép
Trong khi đó, Bộ Công Thương đánh giá không có nhiều DN của Việt Nam có khả năng đầu tư những dự án quy mô công nghiệp để có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam hiện nay khá thấp so với khu vực cũng như thế giới do các nguyên nhân: các nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và nguy cơ tiềm ẩn về môi trường; các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép như than cốc, quặng sắt, thép phế liệu, điện cực phải nhập khẩu.
Xu thế giá nguyên liệu đang ngày càng tăng cao, đặc biệt là giá quặng sắt tăng lên đỉnh điểm trong vòng 5 năm trở lại đây khiến giá của các vật liệu thép khác cũng tăng lên, thêm vào đó là chi phí về năng lượng, nhiên liệu như điện, xăng dầu tăng. Tất cả yếu tố này làm cho chi phí của DN tăng lên, trong khi giá bán ra không tăng được vì áp lực cạnh tranh cùng với nhu cầu có tăng nhưng không đủ lớn.
Ông Trương Thanh Hoài cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các FTA đã ký kết để bảo vệ ngành thép Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu. Đồng thời, thúc đẩy các dự án trọng điểm ngành thép triển khai đúng kế hoạch: Dự án thép Nghi Sơn của CTCP thép Nghi Sơn và Dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi của Tập đoàn Hòa Phát.
Theo ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch VSA, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), để ngành thép phát triển phải kết nối, tái cấu trúc theo hướng tập trung, quy mô và tích hợp để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, khi đó sẽ bớt nhập khẩu từ bên ngoài. Tuy nhiên, để tái cấu trúc được cần đến vai trò của Nhà nước và bản thân DN phải tự nhận thức được điều này, chứ không phải mạnh ai nấy làm.
Quan trọng hơn, ông Nguyên cho rằng thời gian qua, việc kiểm soát dự án đầu tư còn bất cập dẫn đến đầu tư tràn lan, dư thừa công suất quá lớn, vì vậy Chính phủ nên xem xét không cấp phép đầu tư mới.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị việc cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài đối với những ngành hàng đã dư thừa công suất như sắt thép cần phải thận trọng. Việc cấp phép ồ ạt sẽ càng khiến cho tình trạng cạnh tranh trên thị trường thiếu lành mạnh, gây tổn thất cho các DN đang hoạt động.
Thy Lê