Những dự báo mới nhất từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy trong tháng 11/2022 này, giá sữa trong nước sẽ tiếp tục ổn định khi nhu cầu không có nhiều đột biến và giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm.
“Khúc ngoặt” giá sữa nguyên liệu
Số liệu cho thấy kim ngạch nhập khẩu (NK) mặt hàng sữa trong tháng 10/2022 ước đạt 80 triệu USD, giảm 5,9% so với tháng 9/2022. Ước tính kim ngạch NK sữa trong 10 tháng năm 2022 đạt 1,07 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 11, giá sữa trong nước sẽ tiếp tục ổn định khi nhu cầu không có nhiều đột biến. |
Giá sữa nguyên liệu thế giới trong 2 tháng cuối năm nay được dự báo sẽ khó tăng cao. Đó là vì lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều nước tiếp tục tăng lãi suất, nên sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng.
Tuy vậy, nếu so sánh so với tháng 10/2021, giá các mặt hàng sữa nguyên liệu trong tháng 10/2022 vẫn tăng, chủ yếu do nguồn cung eo hẹp. Tuy nhiên, mức tăng đã thu hẹp đáng kể so với các tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, giá sữa bột gầy tại Tây Âu, châu Úc và Nam Mỹ lần lượt tăng 6,3%, 0,7% và 35,3%. Giá sữa bột nguyên kem tại Tây Âu và Nam Mỹ lần lượt tăng 15,8% và 25,6%.
Trong khi đó, 60% nguyên liệu để sản xuất sữa bột ở Việt Nam là NK, nên giá nguyên liệu tăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp (DN) ngành sữa Việt.
Vì thế, cách đây vài tháng, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (tăng khoảng 60-70%, thậm chí có nhóm tăng 100%) khiến cho nhiều DN ngành sữa chịu nhiều áp lực, xem đó là “khúc ngoặt” của tăng trưởng. Nhất là đẩy chi phí sản xuất lên cao, điều chỉnh tăng giá bán sữa ra thị trường trước mối lo ảnh hưởng đến sức mua.
Điều này có thể thấy rõ từ đầu năm đến tháng 9/2022, một số DN sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm trong phạm vi 5%. Cụ thể như Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam (tháng 2/2022), Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (tháng 3 và 9/2022), Công ty Mead Johnson Việt Nam (tháng 4/2022), Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (tháng 4, 7 và 9/2022), CTCP Sữa Việt Nam (tháng 4 và 5/2022). Còn trong tháng 10/2022, giá sữa bán lẻ trong nước tương đối ổn định.
Việc điều chỉnh tăng giá này được cho là vẫn khá thấp so với việc tăng giá sữa nguyên liệu đầu vào. Ngoài việc tăng giá sữa nguyên liệu thì giá đường thô tăng cũng là một yếu tố quan trọng khác khiến chi phí đầu vào của các DN ngành sữa tăng vọt. Theo dự phóng giá đường trong nước vào cuối năm 2022 sẽ còn tăng 10% so với giá đường trong tháng 8/2022.
Chính vì vậy, trước việc chịu tác động tiêu cực kép do giá đường thô và sữa nguyên liệu tăng, giới phân tích nhận định tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất sữa trong năm 2022 này có thể sẽ bị “sứt mẻ”, thấp hơn so với các năm trước đó.
Chờ cải thiện xuất khẩu
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) sữa của Việt Nam có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm vì ảnh hưởng của lạm phát leo thang. Hiện chưa có số liệu mới nhất về XK sữa trong tháng 10/2022, nhưng trong 9 tháng 2022, kim ngạch XK sữa chỉ đạt 175,2 triệu USD, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch XK các mặt hàng sữa chính đều giảm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sữa bột đạt trị giá cao nhất là 78,6 triệu USD, giảm 37,2%; sữa bột nguyên kem đạt 39,1 triệu USD, giảm 13,8%. Kim ngạch XK một số mặt hàng khác cũng sụt giảm như sữa đặc có đƣờng giảm 26,2%; sữa chua giảm 81,3%.
Kim ngạch XK sữa sang một số thị trường chính đều giảm. Trong đó, thị trường XK lớn nhất là Irắc đạt 92,5 triệu USD, giảm 60%; Campuchia giảm 24,2%; Hồng Kông giảm 28,2%.
Riêng kim ngạch XK sữa sang thị trường Trung Quốc không tăng trưởng như kỳ vọng khi ký kết Nghị định thư về XK sữa sang Trung Quốc (chỉ tăng nhẹ 0,1% trong 9 tháng năm 2022, đạt 4,8 triệu USD).
Nguyên nhân do dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng làm giảm nhu cầu tại thị trường tiêu thụ nội địa Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới cả quá trình lưu thông và vận chuyển qua biên giới với Trung Quốc đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam.
Trong thời gian tới, theo giới chuyên gia, XK sữa của Việt Nam sẽ chuyển hướng mở rộng sang một số thị trường Đông Nam Á, chẳng hạn như Philippines.
Với những yếu tố bất lợi như nêu trên, từ tăng giá nhập khẩu nguyên liệu cho đến giảm kim ngạch XK, để các DN ngành sữa tìm kiếm lợi nhuận đang đòi hỏi giá sữa nguyên liệu có tính ổn định hợp lý. Và điều quan trọng trong lúc này là các DN phải biết cân đối chi phí để có giá sản phẩm hợp lý nhằm tránh mất thị phần sữa vào tay đối thủ.
Bên cạnh đó, để giữ vững và mở rộng thị phần nhằm đảm bảo tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, các DN ngành sữa cần tiếp tục linh hoạt tái cấu trúc sản phẩm, cải tiến liên tục để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cũng như đón đầu và tạo nên xu hướng, có năng lực đáp ứng cho các phân khúc, nhu cầu.
Ngoài ra, hoạt động XK của các DN ngành sữa Việt cũng cần được cải thiện, xem đây là kênh quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Hơn nữa, mặc dù một số thương hiệu sữa trong nước thống lĩnh thị trường thì việc cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài vẫn hiện hữu và ngày càng gay gắt hơn. Vì thế, nếu DN nào đứng yên, không chuyển động thì nguy cơ tụt hậu, bị mất thị phần là khó tránh khỏi.
Thế Vinh