Nhận định về thị trường nguyên liệu thực phẩm ở Việt Nam hiện nay, PGs.Ts. Lê Nguyễn Đoan Duy thuộc Hiệp hội Khoa học Công nghệ Thực phẩm Việt Nam (VAFoST) cho rằng, có quy mô rất lớn, thế nhưng đa phần phải nhập khẩu, thậm chí có những mảng hàng với tỷ lệ nhập khẩu lên đến hơn 90%.
Nhu cầu cao, cơ hội nhiều
Trước thực trạng phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập như vậy, theo ông Duy, thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp (DN) trong nước bắt đầu sản xuất nguyên liệu thực phẩm, nhất là tận dụng nguồn tài nguyên nông sản sẵn có.
“Hy vọng thời gian tới lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh. Bởi vì ngành nguyên liệu thực phẩm được xem như ngành công nghiệp phụ trợ và Chính phủ rất ủng hộ. Trước những biến động, nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, khủng hoảng năng lượng… các công ty thực phẩm rất muốn có nguồn cung ổn định, nhất là cần có sự chủ động được nguồn nguyên liệu ngay tại Việt Nam”, ông Duy nhấn mạnh.
Để sản xuất nguồn nguyên liệu thực phẩm tại Việt Nam, các DN Việt không chỉ tự lực sản xuất mà có thể phối hợp với các công ty nước ngoài và tận dụng hiệu quả các loại nông sản Việt. |
Chia sẻ tại buổi họp báo tổ chức ở Tp.HCM nhằm giới thiệu về Triển lãm Nguyên liệu Thực phẩm và Đồ uống - Fi Viet Nam 2022 (diễn ra từ ngày 12 - 14/10 tại Tp.HCM), PGs.Ts. Lê Nguyễn Đoan Duy lưu ý, để sản xuất nguồn nguyên liệu thực phẩm tại Việt Nam thì các DN Việt không chỉ tự lực sản xuất mà có thể phối hợp với các công ty nước ngoài trong việc sử dụng các loại nông sản Việt để tạo ra nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng.
Có thể thấy, Việt Nam có nguồn nông sản phong phú, nếu các DN Việt kết hợp với sự đầu tư của các công ty chế biến nguyên liệu thực phẩm từ các quốc gia tiên tiến sẽ có cơ hội để tăng thêm giá trị cho nông sản. Điều này cũng đòi hỏi việc mở rộng quy mô sản xuất, với mức độ kiểm soát vệ sinh cao hơn tiêu chuẩn quốc tế và tiếp thị chuyên nghiệp.
Liên quan đến chất lượng thực phẩm và an toàn thực phẩm, vị chuyên gia của VAFoST nhận định, hiện giờ có nhiều DN nội địa đã có chuẩn đầu vào nguyên liệu thực phẩm thậm chí còn cao hơn, khắt khe hơn chuẩn quốc tế. Đây cũng là tín hiệu vui cho ngành thực phẩm Việt.
Theo đánh giá từ giới phân tích, thị trường nguyên liệu thực phẩm Việt Nam đang cho thấy sự phát triển liên tục và mạnh mẽ trên nhiều ngành hàng, mang đến cơ hội kinh doanh đáng kể cho các công ty trong và ngoài nước.
Sự tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục dựa trên sự gia tăng dân số (ước tính đạt 99,7 triệu người trong năm 2022), quá trình đô thị hóa và dân số ngày càng giàu có với thu nhập khả dụng cao hơn.
Kỳ vọng chuyển mình
Sau những tác động của đại dịch Covid-19, với việc phục hồi sản xuất và chế biến, nhu cầu về nguyên liệu cho ngành thực phẩm đang cho thấy tiếp tục tăng trưởng mạnh từ đầu năm 2022 đến nay. Việc tiêu thụ thực phẩm đóng gói trong mô hình bán lẻ hiện đại và các kênh dịch vụ ăn uống tăng lên cũng thúc đẩy nhu cầu này.
Tuy vậy, do còn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên nhiều DN trong ngành thực phẩm chịu áp lực chi phí đầu vào tăng cao (tất cả nguồn chi phí nguyên phụ liệu ngoại nhập tăng từ 20-30% từ đầu năm 2022 đến nay).
Nền giá vốn sản xuất của ngành thực phẩm đã tăng một nửa do áp lực nguyên nhiên phụ liệu. Trước đây, các DN chỉ cần nguồn vốn khoảng 100-200 tỷ đồng đã đủ sản xuất ổn định, nay số tiền trên phải tăng lên 50-60%.
Bàn về nguyên liệu thực phẩm có thể liên hệ đến ngành sữa. Từ đầu năm 2022 đến nay, hầu hết DN sữa đều “căng mình” chịu sức ép từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Như hồi nửa đầu năm nay, giá sữa nguyên liệu tăng 60-70%, thậm chí có nhóm tăng 100%. Cùng với đó, việc tăng giá thức ăn chăn nuôi cộng với giá cước vận chuyển tăng phi mã đã góp phần đẩy chi phí sản xuất sữa lên cao.
Trong khi đó, 60% nguyên liệu để sản xuất sữa bột là nhập khẩu nên giá nguyên liệu tác động lên nhóm này khá lớn. Trước “bão giá” nguyên liệu sữa, giới chuyên gia cho rằng ngành sữa Việt cần chuyển mình trong việc phát triển ngành nguyên liệu sữa ngay trên “sân nhà”. Nhất là có sự liên kết hợp tác giữa DN nội địa với DN ngoại để đầu tư phát triển mảng nguyên liệu sữa với đa dạng sản phẩm.
Ở góc nhìn của một DN Nhật đầu tư vào thị trường Việt để phát triển mảng nguyên liệu sữa, ông Nakamura Minoru, Giám đốc Công ty TNHH Morinaga Milk Việt Nam, cho rằng sức tăng trưởng mạnh liên tục của ngành sữa nói riêng và ngành sản xuất chế biến thực phẩm nói chung ở Việt Nam trong những năm qua là yếu tố quan trọng để công ty lựa chọn đầu tư.
Hơn nữa, theo ông Nakamura, phía công ty còn nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam từ việc gia tăng dân số, thu nhập tăng cao và từ thị hiếu, xu hướng của thị trường đang chú trọng vào những sản phẩm tốt cho sức khoẻ.
Tuy vậy, vị giám đốc này thừa nhận trong 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến cho công ty gặp không ít trở ngại trong việc xúc tiến các hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Mặc dù thế chúng tôi vẫn rất lạc quan và có những dự báo tích cực về mảng sản xuất kinh doanh nguyên liệu sữa ở thị trường Việt Nam, cũng như mong muốn là đối tác quan trọng nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp nguyên liệu thực phẩm ở Việt Nam”, ông Nakamura bộc bạch.
Tựu trung lại, điều mong mỏi là cần tăng thu hút đầu tư, liên kết vững chắc giữa khối nội và khối ngoại với việc tận dụng nguồn nông sản tại chỗ để chế biến nguyên liệu với công nghệ hiện đại. Có như vậy, việc tự chủ nguồn nguyên liệu thực phẩm trên “sân nhà” không phải là điều gì ngoài tầm với.
Thế Vinh