Vấn đề này được các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo DN, các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra tại diễn đàn trực tuyến “Chuyển đổi số - Tiếng nói thị trường Việt Nam về công nghiệp 4.0” do Bosch Việt Nam hợp tác với Constellar Exhibitions và Deutsche Messe AG tổ chức ngày 9/9.
Sẵn sàng “sống chung” với đại dịch
Diễn đàn này nhằm giúp các nhà sản xuất trong nước xử lý các vấn đề cụ thể trong công nghệ số, từ việc phục hồi sản xuất nhằm vượt qua các thử thách từ đại dịch cho đến việc đóng vai trò quan trọng trong việc tăng độ tin cậy cho thương hiệu địa phương và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển cho DN.
Đặc biệt là các công nghệ số tiên tiến có thể giúp nhiều DN trong giai đoạn đầy thách thức này như 5G; Trí tuệ nhân tạo (AI); Thực tế tăng cường/Thực tế ảo (AR/VR); An ninh mạng; Công nghệ chuỗi (Blockchain) để phục vụ cho các nhà máy sản xuất.
Khi chuyển sang giai đoạn “sống chung” với đại dịch thì các DN Việt nên sớm có các giải pháp công nghệ số để việc phục hồi sản xuất được duy trì bền vững. |
Theo giới chuyên gia, việc các DN sớm triển khai công nghệ số sẽ có sức chống chịu tốt hơn trong đợt đại dịch lần này. Đồng thời, việc chuyển đổi số giúp DN sẵn sàng thích nghi “sống chung với đại dịch”.
Thực tế cho thấy không ít DN trong nước cũng đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh trong dịch Covid-19 đợt 4. Không những thế, có nhiều DN vẫn đang chủ động phát huy sáng kiến số hóa để cạnh tranh trong thị trường ngày càng khốc liệt hiện nay.
Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều DN Việt, nhất là các DN nhỏ và vừa còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình công nghệ số, kinh tế số.
Ts. Nina Yiu, Chủ nhiệm ngành Quản trị DN thời trang thuộc Đại học RMIT, nhận định đại dịch Covid-19 đã thách thức nhiều DN, đặc biệt là những DN thấy thoải mái khi vận hành kinh doanh theo cách mà họ vẫn luôn làm trước đây.
Cũng theo Ts. Nina Yiu, trong khi đại dịch khiến mọi người hết sức lo âu và gây xáo trộn hầu hết các tổ chức, thì đây là cơ hội để DN xem xét lại mô hình kinh doanh và xác định cần chuyển đổi số để tồn tại giữa đại dịch.
Trong tháng 8/2021 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Dự thảo Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Chương trình dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025 trên phạm vi toàn quốc dành cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Giải pháp sáng tạo để phục hồi
Chương trình này sẽ thiết lập Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 500 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số trong DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bản đồ hóa và công bố cơ sở dữ liệu gồm tối thiểu 100 giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Còn tại Đại học RMIT đang có dự án nghiên cứu “Đánh giá mức độ sẵn sàng thông minh 4.0 nhằm phục hồi trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 ở Việt Nam” do một nhóm các chuyên gia thực hiện, dự kiến hoàn thành vào Quý 4 năm 2021.
Dự án nghiên cứu này nhằm đo lường khả năng của từng DN, từng ngành và Việt Nam nói chung liên quan đến mức độ sẵn sàng đối với Công nghiệp 4.0 và khả năng phục hồi sau đại dịch. Từ đó, đưa ra những phương án hành động mang tính thống nhất và tạo ra giá trị trong giai đoạn đầy thách thức này.
Theo giới chuyên gia, khi DN Việt chuyển sang giai đoạn “sống chung” với đại dịch thì họ nên sớm đưa ra các giải pháp sáng tạo về mặt công nghệ số để việc phục hồi sản xuất được duy trì một cách bền vững.
Các DN Việt cũng cần xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển tiếp nhằm hoạt động trở lại. Việc đánh giá về thời điểm cũng như phương án để dần đưa nhà máy trở lại hoạt động là một trong những thách thức lớn nhất đối với các DN.
Bên cạnh đó, các DN nên có các tiêu chí để ra quyết định “trở lại hoạt động”, như việc đảm bảo an toàn và sức khỏe khi đưa người lao động trở lại làm việc cùng các chi phí phát sinh, sắp xếp và đặt tiến độ cho việc tăng tốc sản xuất, làm sao để tối đa hóa doanh thu trong thời kỳ “sống chung” với đại dịch...
Điều đó sẽ càng phức tạp hơn đối với các DN có hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và có quy mô quốc tế. Nhất là khi đại dịch có thể ảnh hưởng tới các DN ở mức độ khác nhau, và tiến độ phục hồi sản xuất sẽ có khác biệt đáng kể giữa các địa phương, khu vực.
Giới chuyên gia cho rằng với công nghệ số mang tính đột phá sẽ giúp giải tỏa rất nhiều mối băn khoăn như vậy cho việc phục hồi của các DN trong lúc này.
Nhấn mạnh đến việc dùng công nghệ số để xây dựng “tổ chức linh hoạt”, ông Adrian Angus Ole, Giám đốc điều hành Deloitte Consulting Đông Nam Á, đề xuất các DN Việt cần đẩy mạnh sử dụng những hiểu biết đúc kết từ công nghệ dữ liệu, nhằm giúp bồi đắp khả năng ứng phó trước những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.