Đồng Tháp vốn là vựa sản xuất nông nghiệp của cả nước, song dưới tác động của dịch COVID-19 đang khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ trong khi các mặt hàng như khoai lang tím, ớt... gặp khó khăn về đầu ra, giá giảm mạnh thì giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi lại tăng cao.
Giá đầu vào tăng 'chóng mặt'
Cụ thể, ông Đạt ước tính so với năm ngoái, giá phân bón tăng từ 40-50%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 15-20%, giá thức ăn chăn nuôi tăng 50.000 đồng/bao 25kg. Điều này đã làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp, làm giảm lợi nhuận của người nông dân, HTX nông nghiệp.
Giá thành sản xuất nông nghiệp bị đội vì giá phân bón tăng cao. |
"HTX nông nghiệp gặp khó khăn do giá thành sản xuất tăng, cộng thêm chi phí vận chuyển, lưu kho cũng tăng cao khiến lợi nhuận bị suy giảm", ông Tấn chia sẻ.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX nông nghiệp và Dịch vụ Ia Mơ Nông (Chư Păh, Gia Lai), ước tính trước đây 1 triệu đồng có thể mua được 2 bao phân bón, còn hiện tại chỉ mua được hơn 1 bao. Nhiều gia đình thua lỗ nên ngừng sản xuất. Giá phân bón tăng, trong khi giá nông sản giảm khiến người nông dân không còn mặn mà sản xuất.
Theo chia sẻ của ông Đại, chủ đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở Đông Anh (TP.Hà Nội) từ đầu tháng 3/2021, giá bán các mặt hàng như phân bón, thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng và tăng kỷ lục vào tháng 6. Hiện, giá phân NPK Lâm Thao dao động từ 500.000- 520.000 đồng/tạ, đạm Phú Mỹ khoảng 1,1 triệu đồng/tạ (tăng khoảng 10 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái); giá các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng 1 - 2 giá. Giá bán cám lợn khoảng 320.000 đồng/bao trọng lượng 25kg; cám gà 300.000 đồng/bao 25kg (trung bình mỗi bao cám lợn, cám gà có trọng lượng 25kg, tăng khoảng 60.000 đồng/bao so với cùng kỳ năm ngoái).
Giá bán vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân chịu ảnh hưởng lớn nhất, đặc biệt là người sản xuất có quy mô vừa và nhỏ. Theo tính toán, đối với ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi gia cầm chiếm khoảng 50%, nuôi lợn thức ăn chiếm từ 30 - 40% chi phí sản xuất. Trong ngành trồng trọt, giá phân bón chiếm khoảng từ 10 - 12% chi phí sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 1 - 5% tùy tình hình dịch bệnh gây hại.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp tăng 5,63%, lâm nghiệp tăng 0,3%, thủy sản tăng 0,48%.
Đáng chú ý trong nhóm thủy sản nuôi trồng, chỉ số giá sản phẩm tôm nuôi nước lợ 6 tháng tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước do chi phí đầu vào nuôi tôm như giá thức ăn, giá thuốc thủy sản tăng... Trong nhóm thủy sản khai thác, chỉ số giá sản phẩm thủy sản khai thác biển 6 tháng tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ khai thác biển như giá xăng dầu, chi phí thuê nhân công tăng cao.
Đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu
Quay trở lại câu chuyện của HTX nông nghiệp và Dịch vụ Ia Mơ Nông, hiện có khoảng 500 thành viên tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất với trên 800ha diện tích cà phê. Do vậy, nhu cầu về phân bón hàng năm rất lớn. Để hướng đến sản xuất bền vững, ông Lê Văn Thanh cho biết, các thành viên trong HTX đang chủ động hướng đến chuyển đổi mô hình sản xuất, hạn chế việc phụ thuộc vào nguồn phân bón hóa học.
Ông Thanh cho biết: "HTX đang chuyển dần qua sử dụng nguồn phân bón hữu cơ. Hiện nay, các nguồn phân bón hữu cơ sản xuất được trong nước, nguồn nguyên liệu cũng trong nước nên giá thành cũng đỡ hơn”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ông đã xem một số bản tin trên báo chí, phản ánh về tình trạng giá phân bón cao khiến người nông dân gặp khó khăn. Một số đã chuyển sang dùng phân hữu cơ, nhờ vậy chi phí đầu vào giảm và giá trị nông sản tăng lên.
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang hướng hữu cơ là giải pháp cần thiết song không phải một sớm một chiều có thể làm được ngay. Theo đó, trước mắt cơ quan chức năng cần phải có giải pháp để hạ nhiệt giá vật tư nông nghiệp.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay giá phân bón vẫn liên tục lập đỉnh cao. Để giải quyết, Cục đã làm việc với Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các DN lớn sản xuất kinh doanh phân bón. "Chúng tôi đã đàm phán với các đơn vị giảm giá vật tư nguyên liệu đầu vào để không tăng theo giá thị trường, giảm sản lượng xuất khẩu phân bón, lấy số lượng đó để phục vụ nhu cầu trong nước", vị này cho biết.
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho biết, từ đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 5-7 lần, mỗi lần 200-300 đồng/kg. Theo ông Hùng, với chăn nuôi, đặc biệt là những ngành mà chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu vào như nuôi lợn, cá tra, hay tôm, điều này tác động rất lớn.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) kiến nghị Chính phủ có những chính sách hạ nhiệt thức ăn chăn nuôi, như điều chỉnh thuế suất ngô hạt, khô đậu tương, hay một số nguyên liệu khác, nhằm giúp bà con nông dân duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, trong dài hạn, đảm bảo thị trường thức ăn chăn nuôi giúp giảm tác động của xu hướng ly nông, vốn xuất hiện từ lâu ở đại bộ phận lao động trẻ nông thôn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, điều này cũng đặt ra cho ngành nông nghiệp cần một chiến lược phát triển mới trong bối cảnh dịch COVID-19. Giá vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp tăng cao là do cước vận chuyển logistics tăng, thiếu container rỗng, dịch COVID-19 làm đứt gẫy chuỗi sản xuất toàn cầu. Những vấn đề này không chỉ Việt Nam chịu tác động mà các nước khác cũng vậy. Do đó, cần phải có giải pháp để giải quyết vấn đề phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Trước mắt, ngành nông nghiệp đề xuất cần có cơ chế chính sách về thuế, cụ thể Bộ NN&PTNT đề xuất giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, kết nối đầu vào với đầu ra cho người nông dân để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Lê Thúy