Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Công văn số 1321/BCT- HC ngày 11/3/2021 về việc tăng cường các hoạt động sản xuất và cung ứng phân bón trên thị trường nội địa gửi tới một số tập đoàn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón.
Đẩy mạnh tối đa nguồn cung nội địa. |
Công văn số 1321/BCT- HC của Bộ Công Thương đã gửi tới: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang; CTCP Phân bón Việt Nhật (JVF); CTCP Vật tư Nông sản (Apromaco); Công ty TNHH Phân bón Baconco và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, trong các tháng đầu năm 2021, do biến động của nhiều yếu tố, giá phân bón trên thị trường thế giới có xu hướng tăng mạnh, ảnh hưởng đến giá cả cũng như việc sản xuất, cung ứng của thị trường phân bón trong nước và việc tiêu thụ của người tiêu dùng.
Nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ lượng phân bón, tạo sự yên tâm cho người nông dân để sản xuất trong giai đoạn hiện nay và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cả năm 2021, Bộ Công Thương khuyến khích và đề nghị các tập đoàn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam chủ động chỉ đạo các đơn vị thành viên, trực tiếp thực hiện và phối hợp liên kết triển khai các hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón.
Bộ Công Thương đề nghị, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cần chủ động tìm kiếm cân đối nguồn sản phẩm và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón, đặc biệt là nguồn nhập khẩu, đảm bảo chất lượng với chi phí và giá thành phù hợp; tăng cường liên kết trong việc cung ứng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ, phát huy tối đa công suất sản xuất cũng như năng lực sản xuất trong nước, phối hợp với các đại lý và nhà cung ứng khác để cung ứng nhanh và kịp thời đến các điểm tiêu thụ trong nước. Hạn chế tối đa, không để tồn kho gây ứ đọng vốn hoặc thực hiện các hành vi đầu cơ để trục lợi với giá cao.
Bên cạnh đó, kiểm soát hoạt động xuất khẩu phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về chất lượng năng lực và sẵn sàng cung ứng cho các đại lý và đối tượng có nhu cầu chính đáng.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu để kinh doanh: Doanh nghiệp cần chủ động cân đối nguồn hàng có chất lượng và giá cả phù hợp nhằm cung ứng nhanh chóng các sản phẩm phân bón có chất lượng tốt một cách phù hợp đến tay người sử dụng; gia tăng tìm kiếm, kết nối với các đơn vị sản xuất trong nước để đặt hàng, thúc đẩy khả năng lưu thông và phân phối các sản phẩm phân bón trong nước.
Bộ Công Thương nêu rõ, trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị chủ động báo cáo, thông tin đến các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành có liên quan để rà soát và có các biện pháp cụ thể nhằm điều tiết hiệu quả nhất đối với thị trường phân bón, đảm bảo phát huy tối đa năng lực và quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trước đó, theo phản ánh của VnBusiness, thời gian qua, giá phân bón DAP trong nước tăng rất mạnh, một số doanh nghiệp nhập khẩu đã đề nghị Bộ Công Thương tạm dừng thuế tự vệ với loại phân bón này. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm, cụ thể là giá phân bón DAP tăng là do yếu tố bên ngoài.
Nhật Linh