Khảo sát giá phân bón DAP ngày 9/3 cho thấy vẫn "neo" ở mức cao. Cụ thể, giá phân bón DAP 16-45-0 của DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai là 11.200.000 đồng/tấn, mức giá cách đây hai tuần là 9.800.000 đồng/tấn.
Giá phân DAP vẫn... leo thang
Trong khi đó, giá DAP nhập khẩu từ Trung Quốc là 15.000.000 đồng/tấn, DAP nhập khẩu từ Nga là 610 USD/tấn CFR tương đương 15.600.000 đồng/tấn có thuế phòng vệ và hàng Trung Quốc là 560 USD/MT CFR hàng xá tương đương 15.800.000 đồng/tấn. Giá trên chưa tính chi phí lời cho nhà nhập khẩu.
Bộ Công Thương bảo lưu quan điểm giữ thuế tự vệ với phân bón nhập khẩu. |
Bên cạnh phân DAP, phân Urea cũng đang có xu hướng tăng. Đơn cử, phân Urea Phú Mỹ là 8.800.000 đồng/tấn, trong khi 15 ngày trước là 8.500.000 đồng/tấn.
Trước phản ánh giá phân bón trong nước tăng cao, cuối tuần qua, Bộ Công Thương cho biết nguyên nhân chủ yếu là do các yếu tố bên ngoài như sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, sự gia tăng của chi phí vận chuyển.... Nhu cầu trong nước đối với DAP về cơ bản không tăng so với các năm trước đây.
Về đề xuất bỏ thuế tự vệ với phân DAP, Bộ Công Thương cho biết pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm. Tuy nhiên, câu trả lời là làm thế nào để hạ giá phân bón trong nước thì vẫn chưa được Bộ Công Thương trả lời trong văn bản trên.
Trao đổi với VnBusiness, GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, phân tích giá phân bón thế giới tăng mạnh trong những tháng qua là do nguyên liệu sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề của Việt Nam lại nằm ở câu chuyện khi giá tăng, chúng ta tiếp tục bảo hộ thị trường phân bón trong nước thì có thể đẩy giá tăng cao hơn của thế giới.
"Nếu Bộ Công Thương muốn bảo hộ phân DAP nội địa thì phải có bằng chứng khoa học cho thấy phân DAP của Việt Nam cũng tốt như thế giới. Thời gian qua, nhiều nông dân vẫn than phiền rằng phân DAP nội địa không hiệu quả bằng hàng nhập khẩu. Tại sao lại như vậy?", ông Xuân đặt vấn đề.
GS.TS. Võ Tòng Xuân dẫn ví dụ từ Mỹ trong trường hợp bảo hộ con cá tra, họ đã qua Việt Nam để điều tra về chi phí sản xuất. Kết quả, họ thấy cá ba sa Việt Nam nuôi tốn kém hơn, quy trình phát triển chậm hơn nhưng thịt ngon nên họ không đánh thuế. Còn cá tra Việt Nam, sau khi điều tra thì thấy giá thành chỉ bằng một nửa của họ nên họ đánh thuế.
"Lấy ví dụ này để thấy Bộ Thương mại Mỹ khi đánh thuế chống bán phá giá của một món hàng gì của nước ngoài có ảnh hưởng xấu tới sản xuất trong nước thì phải đi điều tra cụ thể", ông Xuân dẫn chứng.
Đặc biệt, theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt ở thị trường nước ngoài. Nếu phân bón tăng thì sẽ kéo giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt. Bộ NN&PTNT cần phải can thiệp Bộ Công Thương để đề xuất lên Thủ tướng về phương án hạ giá thành phân bón.
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
"Nếu trong trường hợp Bộ vẫn có quan điểm giữ thuế tự vệ mà giá phân bón tăng cao, khan hiếm thì đây sẽ là lỗi của Bộ Công Thương vì không điều tiết tốt thị trường phân bón trong nước, để nông dân phải rơi vào tình cảnh khan hiếm nguyên liệu đầu vào", ông Xuân thẳng thắn.
Tất nhiên phần trả lời của Bộ Công Thương vẫn chưa khiến các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón "Tâm phục khẩu phục".
Bàn về ý kiến của Bộ Công Thương rằng: “Pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm”, ông Nguyễn Đức An Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam, dẫn ra quy định trong Pháp lệnh của UBTV Quốc Hội số 42/2002/PL-UBTVQH10 Ngày 25/5/2002 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam tại điều 23 về đình chỉ áp dụng các biện pháp tự vệ.
Cụ thể, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ra quyết định đình chỉ áp dụng các biện pháp tự vệ trong các trường hợp: Khi các điều kiện áp dụng các biện pháp tự vệ không còn tồn tại; Việc tiếp tục áp dụng các biện pháp tự vệ gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội trong nước.
Hiện tại, với tình hình COVID-19 vẫn đang phức tạp và để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, được xem là những lý do các nước xuất khẩu truyền thống DAP như Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu. Do đó, ông Sơn nhấn mạnh, việc duy trì thuế tự vệ vào thời điểm này với hàng hóa vô cùng khan hiếm, làm cho người nông dân ít lựa chọn hoặc phải trả chi phí quá cao, làm giảm tính cạnh tranh và đảm bảo an ninh lương thực trong nước có nguy cơ ảnh hưởng thiệt hại đến nền kinh tế.
Thêm vào đó, ông Sơn cho rằng một điểm đáng lưu ý bị bỏ qua là trong thuế phòng vệ được áp dụng Bộ Công Thương đã gom hai mặt hàng DAP và MAP. Mặt hàng DAP có hàm lượng là 18-46-0 ( nito 18%, Phosphor 46%), mặt hàng MAP 10-50-0, (nito 10% và Phosphor 50%). Lưu ý, hai nhà máy đệ đơn áp dụng thuế phòng vệ là hai công ty DAP Vinachem 1 và 2 đều không sản xuất mặt hàng MAP này.
"Mặt hàng MAP này được sản xuất duy nhất bởi Công ty Đức Giang và Đức Giang không phải là đơn vị đứng đơn mà chỉ bày tỏ sự ủng hộ theo kết luận điều tra. Bên cạnh đó, Đức Giang lãi liên tục từ trước thời điểm áp thuế phòng vệ đến nay và lượng MAP về Việt Nam nhỏ giọt không có sự tăng đột biến về lượng. Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ Công Thương lại gom thêm MAP vào đối tượng chịu thuế? Điều này chẳng khác nào bắt nông dân đi "nuôi" thêm một đơn vị đã rất giàu và cũng không có nhu cầu được bảo vệ", ông Sơn bức xúc cho biết.
Trong khi đó, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, nhìn nhận, nguyên do chính là giá thế giới tăng nhưng nếu không có thuế tự vệ thì giá Việt Nam cũng giảm được cả triệu. Khi áp dụng biện pháp tư vệ, một trong những lý do quan trọng nhất là để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước vì hàng nhập khẩu rẻ hơn gây cạnh tranh bất lợi cho hàng sản xuất trong nước. Nay hàng nhập khẩu đã quá cao gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nên chăng cần áp dụng biện pháp "khẩn cấp, tạm thời bãi bỏ phòng vệ" để bảo đảm an ninh lương thực. Trong trường hợp nếu cần thiết, Bộ Công Thương hoàn toàn có thể trình Chính phủ quyết định.
"Trong tình hình thực tế hiện nay, nếu giá DAP nhập khẩu lên đến 18 triệu đồng/tấn và có thể trên 18 triệu đồng/tấn, thì Bộ Công Thương sẽ lý giải ra sao?", ông Hải nói.
Nhật Linh