Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Chủ tịch HĐQT Nhựa Rạng Đông, cho biết đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất vào Việt Nam của các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa của Trung Quốc nhằm giảm chi phí lao động đang tăng cao ở nước này.
Khó chống chọi
Theo ông Lam, một bộ phận nhỏ công nhân ngành nhựa Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ lương tăng do DN Trung Quốc tìm cách tuyển dụng lực lượng lao động có tay nghề. Người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận thêm nguồn cung sản phẩm nhựa với giá rẻ hơn, vì DN Trung Quốc sẽ giảm giá để đẩy lượng tồn kho tại thị trường nước mình.
"Thế nhưng, các DN nhựa Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, bởi phải cạnh tranh trực tiếp với DN Trung Quốc khi họ gia tăng đầu tư để "đội" nhãn mác của Việt Nam nhằm tránh đòn thuế của phía Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung", ông Lam bày tỏ quan ngại trong buổi gặp giới DN tại Tp.HCM vào cuối tuần qua để bàn về vấn đề "Chiến tranh thương mại: Tương lai DN sản xuất?".
Ngoài ra, ông Đặng Dương, một người kinh doanh trong lĩnh vực vận tải biển, cho biết gần đây có những mặt hàng nhập khẩu (NK) tăng đột biến, nhất là nhựa phế liệu, ảnh hưởng trực tiếp đến các DN Việt Nam, trong đó có DN ngành nhựa.
Vấn đề mà ông Dương đặt ra là tình trạng đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến chuỗi sản xuất của các DN nội địa và khi sử dụng các biện pháp thắt chặt kiểm soát những mặt hàng NK này liệu có ảnh hưởng gì đến hoạt động của các DN.
Cần nhắc lại, hồi tháng 8/2018 đã từng có khoảng 5.000 container phế liệu nhựa NK bị tồn ở cảng trong khoảng 2 – 3 tháng do chịu tác động của các văn bản mới quy định về tiêu chuẩn NK phế liệu.
Ngoài phế liệu nhựa, NK nguyên liệu nhựa tăng cả về lượng và kim ngạch trong thời gian qua cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Theo ước tính, chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2018, NK nguyên liệu nhựa đã đạt 3,59 triệu tấn, trị giá hơn 5,88 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 23,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá NK nguyên liệu nhựa 8 tháng đạt trung bình 1.639,3 USD/tấn, tăng 11,4%.
Các DN nhỏ và vừa ngành nhựa Việt Nam được đánh giá là khó có thể chống chọi, cạnh tranh về giá với hàng nhựa Trung Quốc – theo ước tính giá nhập chỉ bằng 60 – 70% với giá xuất kho của các DN sản xuất trong nước. Điều này có thể đẩy đến nguy cơ hàng trăm DN nhựa sẽ tạm ngưng sản xuất, đa số người lao động trong ngành mất việc khi hàng nhựa Trung Quốc phá giá vào Việt Nam.
Giới phân tích nhận định hiện nay, giá đầu vào của ngành nhựa đang giảm với nhiều lý do, trong đó có liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trung Quốc tự sản xuất được 60% nguyên liệu nhựa, 40% còn lại là các loại nhựa đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao phải NK, chủ yếu từ EU và Mỹ.
Đồ nhựa Việt lo mất sân nhà vì hàng Trung Quốc |
Chưa tận dụng cơ hội
Do việc bị áp mức thuế cao trong chiến tranh thương mại, nên việc nhập nguyên liệu nhựa vào thị trường Trung Quốc không còn thuận lợi như trước. Giá nguyên liệu tăng lên nên các DN Trung Quốc bị hạn chế trong xuất khẩu nhựa, vì vậy lượng nguyên liệu nhựa còn tồn rất nhiều.
Nếu như trước đây, các tập đoàn đa quốc gia trong ngành nhựa thiết lập các kênh phân phối của mình, trong đó thị trường Việt Nam chỉ là một kênh phân phối phụ, nghĩa là họ chỉ chừa lại một sản lượng vừa phải hoặc không bán được thì chuyển dịch vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, nguyên liệu nhựa hiện nay dư rất lớn.
Các DN nhựa Việt có thể xem đây là cơ hội. Nguyên liệu nhựa cho đến thời điểm gần cuối tháng 11 đã giảm gần 20%. Còn đối với phế liệu nhựa, vừa qua, Trung Quốc đã cấm hoàn toàn việc NK, nên buộc phế liệu nhựa phải đi vào những nước còn lại, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, các DN nhựa ở Việt Nam chưa thể tận dụng cơ hội này vì chưa đủ vốn và kỹ thuật để sản xuất đáp ứng được yêu cầu từ các khách hàng ở thị trường Trung Quốc. Chính vì điều này nên các DN nhựa Trung Quốc lại tranh thủ sang Việt Nam để đầu tư nhà máy.
Theo ông Hồ Đức Lam, vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị định không cho NK phế liệu vào thị trường Việt Nam bằng cách thức thương mại nữa. Nghĩa là nếu DN muốn nhập cần phải có giấy phép và DN sản xuất từ phế liệu chỉ để sử dụng chứ không được bán.
Phía VPA cũng đã họp bàn với các cơ quan hữu quan về việc này. VPA cho rằng đây là một giải pháp xác đáng để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực hiện chính sách như vậy cần có thời gian để DN nhựa xử lý vấn đề và thích nghi, chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính quá nhanh khiến DN trở tay không kịp và buộc phải tuân theo luật.
Như lưu ý của ông Lam, ở Việt Nam hiện có 10 DN đầu tư bài bản trong việc xử lý phế liệu nhựa có thể sẽ phải phá sản vì không có phế liệu để dùng. Các DN cũng không có thời gian và sự quan tâm quá mức vào việc tái chế phế liệu nhựa để sử dụng cho riêng mình, vì như thế sản lượng quá thấp, không khấu hao được máy móc thiết bị.
Thế Vinh