Sản phẩm nhựa xuất khẩu (XK) trong năm 2017 đạt 2,5 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2016. Sản phẩm nhựa của Việt Nam được XK tới rất nhiều thị trường thế giới với kim ngạch ngày càng cao, đặc biệt có 7 thị trường đạt trên 100 triệu USD là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Anh, Campuchia.
Mới chủ động 20% nguyên liệu
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết sản phẩm XK chủ yếu là túi nhựa, tấm, phiến, màng nhựa, vải bạt, các sản phẩm dùng trong vận chuyển, đóng gói.
Sản phẩm nhựa gia dụng và công nghiệp được XK tới rất nhiều thị trường trên thế giới với kim ngạch ngày càng tăng, trong đó lớn nhất là túi nhựa, chủ yếu xuất sang Nhật, Anh, Đức với mức tăng trưởng dương liên tục; tiếp đến là vải bạt xuất chủ yếu sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan, là mặt hàng XK tiềm năng và tăng tưởng tốt trong năm 2017.
Ông Hải đánh giá dù có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng ngành nhựa Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế – kỹ thuật về gia công chất dẻo, trong khi đó lại không chủ động được hoàn toàn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất.
Ngành nhựa hiện nay mới chỉ chủ động được khoảng 20-25% nguyên liệu cũng như hóa chất phụ gia đầu vào, còn lại phải nhập khẩu (NK), khiến cho hoạt động sản xuất bị phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cho biết mỗi năm, ngành nhựa cần trung bình 2-3,5 triệu tấn nguyên liệu nhựa các loại, gồm PE, PP, PS…, nhưng khả năng cung ứng trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 800.000 tấn nguyên liệu nhựa (bao gồm 300.000 tấn nguyên liệu PVC).
Chưa kể, chi phí nguyên vật liệu lại chiếm khoảng 70-80% giá thành sản phẩm, dẫn đến chi phí giá bán của các DN Việt Nam rất khó cạnh tranh với các quốc gia có sản phẩm XK tương tự đi các nước.
Điểm hạn chế lớn nhất của ngành nhựa là nguồn cung ứng nguyên vật liệu còn thiếu |
Cơ hội đi liền thách thức
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam ký kết được các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang đến nhiều cơ hội cho các DN XK mặt hàng nhựa bao bì khi các đối thủ đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất rẻ, thuế suất XK sản phẩm nhựa tới Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu… được hưởng nhiều ưu đãi.
Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất lại là nguồn cung ứng nguyên vật liệu còn thiếu nên đa số phải NK do ngành công nghiệp hóa dầu trong nước chưa phát triển.
Trong đó, các loại nhựa PE, PP vẫn là các mặt hàng được NK nhiều nhất và giá trị tăng dần qua các năm.Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ khiến DN XK khó tận dụng được ưu đãi thuế do quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Do vậy, các DN đang rất kỳ vọng các nhà máy lọc hóa dầu mở rộng sản xuất đạt công suất thiết kế thì nguồn nguyên liệu nhựa phục vụ sản xuất hàng XK và tiêu thụ nội địa sẽ được chủ động hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nhựa của Việt Nam.
Bên cạnh thiếu nguồn nguyên liệu, ngành nhựa cũng đang đối mặt với nhiều rào cản từ XK. Hiện nay, nhiều thị trường như Mỹ, EU đã thông qua lệnh cấm với những sản phẩm nhựa bảo quản thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường.
Đồng thời, phải cạnh tranh với các sản phẩm túi nhựa trong khu vực, đặc biệt là sản phẩm của Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia cùng với việc gia tăng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của EU là những khó khăn cho XK sản phẩm nhựa năm 2018.
Việc phát triển thị trường XK cũng gặp nhiều vấn đề trở ngại. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không có sự tham gia của Mỹ khiến các DN XK vào thị trường này phải chịu thuế chống bán phá giá, khó cạnh tranh được với các DN sở tại.
Đồng thời, Nhật Bản tuy là thị trường XK lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam nhưng lại có những yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa.
"Những yêu cầu trên sẽ càng khó khăn khi không ít DN Việt Nam chưa có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn, nguyên nhân chủ yếu là thiếu thông tin và kinh nghiệm", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Trong khi đó, trình độ công nghệ của DN nhựa của Việt Nam còn thấp, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm XK dẫn đến sức cạnh tranh của hàng hóa còn kém.
Thy Lê