Thị trường nhựa ở Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 16 – 18%. Như nhận định của ông BT Tee (một doanh nhân Thái Lan), Tổng giám đốc công ty UBM VES, tại cuộc họp báo ở Tp.HCM vào tuần rồi, đó là triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành nhựa Việt Nam đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các NĐT nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan.
“Ông lớn” cũng bị thâu tóm
Điều này càng được thể hiện rõ khi tên tuổi Tập đoàn SCG (Thái Lan) đang trở nên quen thuộc với nhiều doanh nghiệp (DN) Việt ngành nhựa. Cách đây hơn một năm, tập đoàn này đã rót vốn mua cổ phần tại 7 DN nhựa Việt hàng đầu và không giấu tham vọng thâu tóm thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).
Mới đây nhất (đầu tháng 3/2018), cái tên SCG lại nổi lên khi có nhiều thông tin, nhận định cho rằng tập đoàn này đang tiến gần đến việc thâu tóm một thương hiệu nhựa nổi tiếng của Việt Nam với lịch sử hoạt động gần 40 năm là công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP).
Một công ty thành viên của SCG là Nawaplastic (cổ đông lớn thứ hai tại BMP) đã đăng ký mua hơn 24,1 triệu cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán cạnh tranh ở BMP.
Nếu việc mua bán thành thì Nawaplastic dự kiến sẽ phải bỏ ra khoảng trên 2.300 tỷ đồng để nâng sở hữu tại BMP lên 49,92%. Nếu đạt được tỷ lệ này, khả năng SCG thâu tóm thành công Nhựa Bình Minh (một trong những DN sản xuất ống nhựa hàng đầu tại Việt Nam, đang sở hữu 4 nhà máy nhựa với tổng công suất 140.000 tấn/năm) là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Điều đáng nói, hoạt động mua bán này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường nhựa Việt Nam và vị thế hàng đầu của BMP dần lung lay, đánh mất thị phần trước sự lấn át từ các DN nhựa ngoại.
Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, theo ý kiến của ông BT Tee, các DN nhựa Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa trong việc cập nhật công nghệ và nắm bắt xu hướng mới, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì vị thế trên thị trường.
Qua quan sát của giới phân tích, các DN đến từ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng thâu tóm các DN nhựa tại Việt Nam. Nổi bật phải kể đến Tập đoàn SCG khi họ sở hữu cổ phần khá lớn tại 2 tên tuổi lớn nhất của ngành nhựa Việt là Nhựa Bình Minh và công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP).
Việc sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu khiến các DN nhựa nội gặp nhiều khó khăn
Yếu thế trong cạnh tranh
Trong khi đó, SCIC quyết định thoái toàn bộ vốn ở BMP và thời gian tới có thể sẽ thoái tiếp 33,1 triệu cổ phiếu NTP (tương đương 37,1% vốn điều lệ), trong đó có vấn đề nới room ngoại lên 100%. Điều này làm dấy lên khả năng là hai DN nhựa lớn của Việt Nam có thể sẽ thuộc quyền kiểm soát của khối ngoại trong thời gian không xa.
Với các DN ngành nhựa trong nước hiện nay đang chiếm tới hơn 85% trong tổng số hơn 2.200 DN hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực này, lo ngại nhất vẫn là sự yếm thế của các DN nhỏ và vừa trước DN nhựa ngoại, cũng như những khó khăn thách thức về năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nhất là việc sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu khiến cho các DN nhựa nội địa gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trong bối cảnh các DN nhựa ngoại đang nhăm nhe thâu tóm.
Theo phân tích từ một số công ty chứng khoán, cạnh tranh mạnh nhất trong ngành nhựa là khu vực phía Nam. Trong đó, nhựa bao bì vẫn là mảng chiếm tỷ trọng cao nhất trong ngành nhựa, với tỷ lệ khoảng 40%. Với 4 phân khúc nhỏ hơn, sản phẩm ngành nhựa bao bì rất đa dạng, do đó, việc cạnh tranh không diễn ra một cách trực tiếp.
Tuy nhiên, với quy định áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP 3% bắt đầu từ năm 2017 vừa qua, các DN nội trong phân ngành sản xuất bao bì xây dựng và bao bì thực phẩm đã chịu áp lực cạnh tranh.
Ngay như hai “ông lớn” mảng nhựa xây dựng như NTP và BMP cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ một số DN lớn lấn sân vào lĩnh vực này như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành và Europipe. Cho nên, nếu từng DN nhựa nếu không có các chính sách hợp lý để thích ứng với thị trường cạnh tranh, thị phần chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Một vấn đề khác mà ngành nhựa nội địa vẫn chưa giải quyết được là còn thiếu tự chủ về nguồn nguyên liệu, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Theo dự báo, đến năm 2020, các DN nhựa trong nước sẽ cần tới hơn 5 triệu tấn nguyên liệu đầu vào để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu đa dạng trong sản xuất và kinh doanh.
Còn hiện nay, các DN nhựa trong nước cần trung bình khoảng 4 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào nhưng chỉ mới chủ động được khoảng gần 900.000 tấn. Đây là nguyên nhân làm suy giảm khả năng cạnh tranh của DN nhựa nội và khó tránh nguy cơ bị khối ngoại thâu tóm.
Ngay như một số “ông lớn” trong ngành nhựa nội địa cũng đối mặt không ít khó khăn. Chẳng hạn như NTP từng được giới phân tích chỉ rõ có một số rủi ro nhất định như biến động giá nguyên liệu đầu vào, rủi ro tỷ giá.
Ngoài ra, để bảo vệ và mở rộng thị phần trước các đối thủ cạnh tranh (như BMP), DN này giảm thiểu hóa rủi ro cạnh tranh bằng cách chuyển sang chiến lược mới tập trung vào mảng ống cấp nước dùng cho các công trình với tỷ lệ tăng trưởng cao hơn ống nhựa dân dụng. Giới chuyên gia đánh giá đây là một bước đi quan trọng và phù hợp với triển vọng ngành nhựa nội địa hiện nay.
Thế Vinh