Cụ thể, cam kết của EVFTA về thuế quan đối với dược phẩm có thể không tạo ra thay đổi gì lớn trong tương lai gần đối với việc xuất, nhập khẩu dược phẩm giữa Việt Nam và EU.
Logistics sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt khi EVFTA có hiệu lực (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, các cam kết liên quan tới dược phẩm ở các khía cạnh khác sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và doanh nghiệp dược Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, theo hướng: Dược phẩm từ EU sẽ vào Việt Nam thuận lợi, dễ dàng và trực tiếp hơn; mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm sẽ được tăng cường, khiến một số loại dược phẩm có thể chậm được giảm giá hơn; cạnh tranh gay gắt hơn trong các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam (trong nhóm đã cam kết mở cửa cho nhà thầu EU).
Tác động này rõ rệt hơn với các loại biệt dược, thuốc chuyên dụng (nhóm thuốc có bảo hộ độc quyền, Việt Nam chưa sản xuất được). Đối với các sản phẩm thuốc thông thường, thuốc generic mà Việt Nam đã sản xuất được, các tác động không quá lớn.
EVFTA mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy tự do hóa ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam. Tác động của mở cửa dịch vụ với nhóm ngành này là tích cực trên các góc độ cầu về dịch vụ, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp từ EU. Đến năm 2025, xuất khẩu dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam sẽ tăng khoảng 21%, nhập khẩu sẽ tăng 9,65%. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh là rất lớn, đồng thời, áp lực ổn định vĩ mô cũng lớn hơn do mở cửa dịch vụ này làm cho Việt Nam dễ nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài.
Đồng thời, EVFTA có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển ngành logistics ở 2 góc độ: cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, thực hiện dịch vụ.
Theo Bộ Công Thương, những ngành bị tác động trên chính là những ngành huyết mạch của nền kinh tế mà ta đang cần phát triển nhằm nâng cao năng lực phục vụ các ngành sản xuất kinh doanh trong nước như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics hoặc các ngành phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đời sống sức khỏe của người dân như dược phẩm.
Do đó, sức ép cạnh tranh trong các ngành này tuy có nhưng là cần thiết và tất yếu để giúp ta có cơ hội hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư nước ngoài có trình độ, vốn, công nghệ và kinh nghiệm để tạo đà tăng trưởng và phát triển lên một tầm cao mới.
Thy Lê