Bài 3: Nông sản Việt chờ gì ở 'cú hích' EVFTA? |
Ts. Frauke Schmitz-Bauerdick, Trưởng đại diện Cục Xúc tiến Thương mại và Đầu tư CHLB Đức (GTAI) tại Việt Nam, cho biết hàng hoá của Việt Nam (trong đó có nông sản thực phẩm) được tiêu thụ tốt ở Đức. Người tiêu dùng Đức thích ăn tôm, cá và vải thiều được nuôi trồng ở Việt Nam.
Tuân thủ nghiêm ngặt và tăng chế biến
Tuy nhiên, theo Ts. Frauke, với cơ hội mở ra từ EVFTA thì việc tham gia ngành chế biến của nông sản thực phẩm Việt càng trở nên quan trọng hơn. Chế biến và tăng thêm giá trị bằng cách chế biến là một xu hướng quan trọng mà Việt Nam phải đối mặt vào lúc này.
“EVFTA mang đến triển vọng lớn cho ngành nông sản thực phẩm Việt. Giao dịch sẽ trở nên dễ dàng hơn, rẻ hơn và có thể nhanh hơn. Nhưng để cạnh tranh ở thị trường phát triển như nước Đức thì phải tuân thủ nghiêm ngặt về an ninh lương thực và chất lượng", Trưởng đại diện của GTAI nói.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN), CTCP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, trong các thị trường xuất khẩu (XK) gạo thì EU là thị trường yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao hàng đầu thế giới, không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường và phát triển bền vững.
Và dù có những yêu cầu cao từ thị trường EU, DN này vẫn có thể đáp ứng được. Năm 2019, Lộc Trời chiếm hơn 17% tổng lượng gạo Việt Nam XK sang các quốc gia khu vực EU, riêng gạo Jasmine chiếm hơn 50%.
Hoặc như CTCP Tập đoàn PAN, dù XK nông lâm thuỷ sản trong mùa dịch Covid-19 là cả một thách thức lớn, nhưng nhờ lợi thế phát triển thị trường EU tương đối đồng đều so với thị trường Mỹ hay Nhật Bản nên đã giúp DN này giảm thiểu được rủi ro. Mảng XK tôm của PAN vẫn đạt kết quả tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo về việc phê chuẩn và thực thi EVFTA do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày trước Quốc hội ngày 20/5 cũng đã nhấn mạnh: với việc thực thi EVFTA, thị trường XK của DN Việt Nam có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Theo các chuyên gia hàng đầu về kinh doanh quốc tế, EVFTA là cửa ngõ mới cho hành trình đa dạng hóa thị trường nông sản của Việt Nam, giúp tháo gỡ sự phụ thuộc vào một số đối tác thương mại truyền thống như Trung Quốc hay Mỹ. Đây cũng có thể là chìa khóa để giảm rủi ro về thương mại và sản xuất nông sản Việt nếu những cuộc khủng hoảng toàn cầu như Covid-19 lặp lại trong tương lai.
Tuy nhiên, việc chuyển hướng XK nông sản ra ngoài Trung Quốc và nhắm nhiều sang EU vẫn đòi hỏi sự chuẩn bị tốt hơn và mang tính lâu dài. Như ví von của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: "Một chiếc xe đang chạy băng băng trên một con đường thì việc bẻ cua gấp là điều không thể, chỉ có thể là bẻ cua từ từ".
XK tôm vào EU được kỳ vọng tăng trưởng tốt sau khi EVFTA có hiệu lực |
Cần đổi mới công nghệ
“Điều này cho thấy việc chuyển đổi thị trường phải có sự chuẩn bị để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, từ an toàn vệ sinh thực phẩm cho đến mẫu mã, bao bì... Những yêu cầu này đòi hỏi phải thay đổi và không thể một sớm một chiều”, ông Nguyên nói.
Từ đầu năm đến nay, do tình hình bất khả kháng từ dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia ở EU đã gây ảnh hưởng đến hoạt động XK nông sản của Việt Nam sang thị trường này.
Số liệu thống kê cho thấy, XK nông lâm thuỷ sản của Việt Nam vào EU trong trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 1,9% và chiếm 10,75% thị phần.
Mặc dù vậy, với "cú hích" từ EVFTA sau khi được Quốc hội thông qua, giới chuyên gia cho rằng các DN trong ngành hàng nông sản cần chuẩn bị các kịch bản và phương án để đẩy mạnh sản xuất, XK sang thị trường EU ngay khi dịch bệnh kết thúc, nhất là phải tính đến việc tận dụng EVFTA để đẩy mạnh XK và khôi phục thị trường.
Đặc biệt, DN cần khẩn trương cơ cấu lại thị trường XK nông sản sang EU theo hướng đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý.
Các DN XK nông sản thực phẩm cũng nên có những cách nghĩ mới để đảm bảo tối ưu hóa lợi ích từ EVFTA và giảm thiểu rủi ro. Đặc biệt là tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, DN XK) sang các nước EU. Không thể tư duy dựa trên các giải pháp ngắn hạn nhưng gây tổn hại đến môi trường hay các kế hoạch dài hạn.
Theo chuyên gia xuất nhập khẩu Trịnh Thị Thu Hiền, để mặt hàng nông sản thực phẩm Việt hưởng thuế ưu đãi từ EVFTA, điều quan trọng là cần đáp ứng quy tắc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, thách thức lớn vẫn là hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng.
Bên cạnh đó, nông sản thực phẩm Việt còn phải đối mặt với sự cạnh tranh với chính sản phẩm của các nước đối tác EVFTA tại thị trường nội địa. Theo bà Hiền, điều này đòi hỏi nông sản thực phẩm Việt cần đổi mới công nghệ để tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị.
Thế Vinh