Mới đây, CTCP Mía đường Sơn La (SLS) đã công bố báo cáo tài chính quý 1 niên độ 2022-23 (từ 1/7 đến 30/9/2022) với doanh thu đạt 341,4 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. SLS có lãi ròng 81,2 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ.
Dự báo sẽ khởi sắc
Doanh nghiệp (DN) này đã vượt xa kế hoạch cả năm ngay sau quý đầu tiên. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 9/2022, SLS đã thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ 2022-23 với chỉ tiêu doanh thu đạt xấp xỉ 1.111 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với niên độ trước.
Tuy nhiên, SLS dự báo niên độ mới sẽ vẫn là giai đoạn khó khăn với DN, nhất là rủi ro tới từ nạn buôn lậu, gian lận thương mại chưa được kiểm soát triệt để.
Niên vụ 2022/23 dự báo sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam sau khi có quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu trong thời hạn 5 năm. |
Mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) có dẫn báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động trong vụ 2022/23 và kế hoạch sản xuất niên vụ 2022/23 với diện tích mía thu hoạch là 151.305 ha; sản lượng mía đưa vào chế biến 8.764.277 tấn; năng suất 66,2 tấn/ha; sản lượng đường 870.930 tấn.
Theo đánh giá mới nhất từ VSSA trong hạ tuần tháng 10/2022, niên vụ 2022/23 dự báo sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam sau khi có Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar trong thời hạn 5 năm. Vụ chế biến 2022/23 dự kiến còn 24 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2021/22, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.
Điểm đáng chú ý, theo VSSA, một trong những nhiệm vụ mà ngành mía đường cần tập trung thực hiện trong niên vụ tới và các năm tiếp theo là phòng chống các hành vi gian lận thương mại đường. Bởi lẽ, các hành vi gian lận thương mại đường đã xảy ra nhiều năm và gây tác hại vô cùng nghiêm trọng cho ngành đường Việt Nam.
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành đường, giá đường trong nước tăng cao hơn so với trước đây, các hành vi gian lận thương mại đường càng có nguy cơ xảy ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Gian lận thương mại đường tại thị trường Việt Nam có thể phân làm 2 loại: Gian lận thương mại đường sản xuất xuất khẩu và gian lận thương mại đường nhập lậu.
Cho nên, việc phòng chống các hành vi gian lận thương mại đường cần có sự tham gia cộng tác của tất cả các thành viên, chứ không thể chỉ ỷ lại vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước, mới có thể bảo đảm hiệu quả.
Hơn nữa, cần triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi gian lận thương mại nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng xác định nguồn gốc đối với hàng hóa lưu hành trên thị trường và phân biệt các loại hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gian lận thương mại.
Chờ kiểm soát đường lậu triệt để
Đơn cử như mới đây, VSSA đã nhận thấy có những dấu hiệu quá rõ ràng về tính không chính xác của các thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong các lô đường nhập khẩu khai báo xuất xứ thuần túy do Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất. VSSA cho rằng, đây là hành vi gian lận xuất xứ, hoàn toàn không phù hợp với quy định của chương 3 Hiệp định ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN).
Chính vì vậy, VSSA kiến nghị Bộ Tài Chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thực hiện xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất đối với các lô đường nhập khẩu do Công ty PT. Kebun Tebu Mas Indonesia sản xuất.
“Tất cả các lô đường gian lận thương mại nhập lậu bị phát hiện đều có đặc điểm không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và như vậy không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Thông tư số số 17/2021/TT-BNNPTNT”, VSSA lưu ý.
Ngoài ra, VSSA kiến nghị không tổ chức bán đấu giá để bổ sung công quỹ nhưng thu hồi các lô đường gian lận thương mại nhập lậu và chuyển cho các nhà máy đường xử lý mới có thể đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.
Và việc điều chỉnh quy định bán đấu giá đường gian lận thương mại nhập lậu bị tịch thu nêu trên là việc vận dụng các quy định hiện hành nhằm bịt kín kẽ hở pháp luật đang bị các đối tượng gian lận thương mại lợi dụng. Cho nên, việc tăng cường chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại cần quyết liệt hơn; xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến bảo kê nhập khẩu đường trái phép.
Bên cạnh đó, những đánh giá gần đây cho thấy so với năm 2021, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ đầu năm 2022 đến nay đã tăng gấp đôi, gây nhiều khó khăn cho hoạt động đường trong nước.
Theo nhận định từ Ban Chỉ đạo 389 một số tỉnh biên giới Tây Nam, ngoài lợi dụng mùa nước nổi để gia tăng vận chuyển hàng lậu qua các cánh đồng biên giới, các đối tượng đang gom hàng chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023, nên tình trạng vận chuyển hàng lậu, trong đó có đường cát có xu hướng gia tăng. Đường nhập lậu đều là đường sản xuất tại Thái Lan nhưng được đi vòng qua Campuchia hoặc Lào, sau đó tuồn qua biên giới vào Việt Nam.
Cần nhắc lại, cách đây 3 năm, gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ. Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước. Thời điểm đó đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
Theo đánh giá từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VCBS, từ năm 2018 đến nay, ngành đường nội địa đã bị thiệt hại rất lớn bởi sức ép từ đường Thái Lan bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại. Hồi tháng 6/2021, Bộ Công Thương chính thức áp thuế chống bán phá giá 42,99% và chống trợ cấp là 4,65%, tổng cộng 2 loại thuế này là 47,64%. Quyết định có hiệu lực ngay sau đó và thời hạn áp dụng là 5 năm.
Tuy nhiên, sau khi áp thuế như vậy, đường Thái Lan lẩn tránh thuế bằng cách chuyển đường có nguồn gốc từ Thái Lan sang 5 nước ASEAN là Lào, Campuchia, Indonesia và Myanmar vào Việt Nam. Tháng 9/2021, Bộ Công Thương có quyết định điều tra về việc lẩn tránh này và có kết luận đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN né thuế gây thiệt hại rõ ràng đối với ngành đường nội địa. Thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là vào tháng 7/2022.
Có thể nói, việc áp thuế nhanh chóng tiến hành sẽ tạo công bằng cho các DN trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu. Xét về ngắn hạn sẽ giúp các DN đường tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận. Còn về dài hạn sẽ giúp phục hồi vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng.
Thế Vinh