Ông Tình Nguyễn, nhà đồng sáng lập LadiPage (một nền tảng công nghệ giúp hiện thực hóa các mục tiêu tiếp thị trực tuyến và thu hút khách hàng về cho doanh nghiệp), cho biết theo khảo sát của Facebook và Bain & Company thì Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026 với tổng giá trị hàng hóa TMĐT đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021.
Tận dụng triệt để công nghệ
Trước dự báo sức bùng nổ mạnh mẽ của TMĐT ở Việt Nam như vậy, theo ông Tình Nguyễn, công nghệ sẽ luôn là yếu tố cốt lõi cho hoạt động của các doanh nghiệp (DN) Việt, được xem như một nền tảng cho sự tăng trưởng đột phá trong mọi hoạt động kinh doanh của DN (từ sản xuất, phân phối cho đến tiếp thị, bán hàng…).
Các DN Việt đối mặt với tình huống bắt buộc phải thay đổi cách thức truyền thông marketing để tiếp cận nhóm khách hàng đã thay đổi hành vi mua sắm. |
Đơn cử như công nghệ về mặt tiếp thị (marketing), ông Tình Nguyễn cho biết ở Việt Nam hiện có rất nhiều giải pháp công nghệ để phục vụ cho các DN trong hoạt động tiếp thị trực tuyến. Cụ thể, hiện có khoảng 102 giải pháp công nghệ khác nhau phục vụ cho lĩnh vực marketing. Và khi lựa chọn một giải pháp công nghệ marketing đòi hỏi DN cần xác định mục tiêu của mình để lựa chọn giải pháp phù hợp.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, người phụ trách marketing của Haravan (một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp bán lẻ), kết quả khảo của Haravan hồi tháng 7/2022 dựa trên 5.000 nhà kinh doanh nhỏ và vừa cho thấy, có gần 60% đơn hàng trực tuyến (online) tại Việt Nam được đặt mua trên các sàn TMĐT và các kênh mạng xã hội phổ biến.
Chính vì vậy, ông Tấn có lời khuyên đến các DN nhỏ và vừa nên tận dụng triệt để 4 hạng mục quảng cáo sau: Thứ nhất là Facebook Messenger Ads (quảng cáo tin nhắn Facebook) nhằm tối ưu chi phí quảng cáo nhờ tiếp cận đúng khách hàng có nhu cầu thực sự mà doanh nghiệp nhắm tới.
Việc này sẽ giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi và tăng đơn hàng nhờ tương tác với khách hàng tiềm năng thông qua Messenger (ứng dụng nhắn tin nhanh của Facebook) và mang đến trải nghiệm mua hàng được cá nhân hóa. Các DN cũng dễ dàng tạo tài khoản quảng cáo Facebook, thiết lập chiến dịch và xem báo cáo chi phí.
Thứ hai là Google Performance Ads. Đây là hình thức quảng cáo bán hàng tự động, hiệu suất cao bằng trí tuệ nhân tạo (AI) của công cụ tìm kiếm Google trên đa nền tảng hiển thị, giúp DN mạnh doanh thu bán hàng bền vững, lâu dài.
Thứ ba là TikTok Ads (những hình thức marketing được sử dụng trên nền tảng TikTok). Điều này giúp các DN Việt tiếp cận hàng triệu khách hàng tiềm năng với giải pháp quảng cáo TikTok tự động. Các DN cũng dễ dàng tạo tài khoản quảng cáo, dễ dàng tạo chiến dịch quảng cáo TikTok tự động một cách nhanh chóng với các thao tác đơn giản và nắm bắt - tối ưu hiệu quả các chiến dịch với báo cáo trực quan.
Thứ tư là Remarketing (tiếp thị lại) mang tính kiểm soát và đo lường nhằm giúp DN tối ưu trải nghiệm khách hàng. Nhất là tối đa hiệu quả các chương trình bán hàng bằng nền tảng quản lý bán lẻ đa kênh và nền tảng quản lý Membership (thành viên)/Loyalty (lòng trung thành của khách hàng).
Thay đổi để theo kịp xu hướng
Giới chuyên gia cho rằng người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi cách mua sắm. Nhất là qua 2 năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, hành vi mua hàng của họ đã hoàn toàn thay đổi. Sự dịch chuyển mua sắm lên trực tuyến tăng nhanh gấp 3 lần so với trước đó.
Đơn cử như với mảng thời trang, công nghệ được cho là đang dẫn dắt xu hướng thời trang ở Việt Nam. Việc thay đổi hành vi buộc các DN trong lĩnh vực này phải tăng tương tác với công nghệ. Các kênh truyền thông mới như Zoom (một nền tảng hội họp trực tuyến), Teams (một nền tảng giao tiếp cho DN) và TikTok đang tăng trưởng mạnh và thay đổi cách người tiêu dùng giao tiếp, từ đó ảnh hưởng đến kỳ vọng trong cách thương hiệu cá nhân hoá thông điệp và tương tác với họ.
Trong lĩnh vực thời trang, xét về mặt truyền thông, theo nghiên cứu từ Statista, Facebook vẫn là mạng xã hội dẫn đầu, còn Zalo nắm giữ hạng hai. Đáng lưu ý là TikTok đang bước vào cuộc chơi tại Việt Nam và đặc biệt nhắm đến thế hệ trẻ.
Chuyên gia của đại học RMIT cho rằng, chúng ta đang chứng kiến một số thay đổi mang tính kiến tạo trong hành vi và xu hướng mua sắm trên mạng xã hội được dẫn dắt bởi người tiêu dùng thế hệ Z (nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) và thế hệ Y (những người trẻ đang ở độ tuổi 20, 30).
Hơn nữa, các yếu tố ảnh hưởng đến việc người tiêu dùng Việt mua sắm tại một thương hiệu phụ thuộc vào thương hiệu đó và bản thân họ. Theo Hofstede, vì Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa tập thể, KOL - người có sức ảnh hưởng và bằng chứng xã hội vẫn đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Cho nên, các DN Việt đối mặt với tình huống bắt buộc phải thay đổi để tiếp cận nhóm khách hàng đã thay đổi hành vi này. Và cách truyền thông của các DN Việt với người tiêu dùng cũng vì vậy mà sẽ cần thay đổi – tiếp thị trực tuyến một cách tiện dụng và mang tính giải trí là để theo kịp xu hướng này.
Ngoài ra, với dư địa rất lớn để tham gia TMĐT xuyên biên giới cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam, nhà sáng lập Maztermind Việt Nam - ông Toàn Nguyễn, nhấn mạnh marketing trên mạng xã hội ngày càng phát triển sẽ là một trong những yếu tố chính tác động đến khả năng tiếp cận người tiêu dùng quốc tế của thương hiệu trong nước.
Vì thế, hơn bao giờ hết, với những DN có nhận thức tốt sẽ hiểu rằng họ cần phải làm gì để phát triển và áp dụng các nền tảng tiếp thị trực tuyến một cách hiệu quả nhất nhằm “bắt khớp” với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Thế Vinh