Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, ngành giấy Việt Nam vẫn đi sau và có nhiều khó khăn bởi phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nước ngoài.
Rủi ro rình rập
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm, các doanh nghiệp (DN) ngành giấy đang cố gắng duy trì 50 – 60% công suất, đủ chi trả lãi vay, chi phí sản xuất và lương công nhân. “Chúng ta phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nguồn cung không ổn định, giá cao. Trong khi đó, giá bán của các sản phẩm không theo kịp, điều này khiến các DN giấy phải chịu lỗ”, ông Sơn nói.
Phụ thuộc nguyên liệu đang khiến ngành giấy ở trạng thái nhập siêu trong nhiều năm qua. |
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, ngành giấy đang nhập siêu liên tục trong nhiều năm qua. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2022, Việt Nam chi gần 2,2 tỷ USD cho nhập khẩu giấy và nguyên liệu, trong khi chiều xuất khẩu chỉ đạt 1,9 tỷ USD. Như vậy, ngành giấy đang nhập siêu khoảng 300 triệu USD.
Tương tự, tình trạng phụ thuộc nguyên liệu cũng xảy ra với ngành dệt may, da giày… Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu của nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày năm 2022 đạt 27,96 tỷ USD, tăng 6%, tương ứng tăng 1,58 tỷ USD so với năm 2021. Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày cho Việt Nam trong năm 2022, chiếm tỷ trọng 50%, với 14,06 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm 2021.
Để giảm phụ thuộc nguyên liệu, ngành dệt may đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa giai đoạn 2021 - 2025 đạt 51- 55% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 56 - 60%. Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean nhận định, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang thay đổi. Họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm, đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Trong khi đó, dệt may Việt Nam đang thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng, phụ thuộc nguyên liệu ngoại.
Thậm chí, việc phụ thuộc nguyên liệu đang đem tới những rủi ro như câu chuyện của ngành điều. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2022, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn nguyên liệu điều, với đơn giá bình quân 1.400 USD/tấn; tổng cộng các DN điều đã chi ra khoảng 2,66 tỷ USD để nhập nguyên liệu.
Ngành điều không chỉ lo ngại về nhập khẩu điều thô từ Campuchia, mà còn điều sơ chế từ châu Phi. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, trước đây, châu Phi bán 100% nguyên liệu điều thô sang Việt Nam, nhưng nay họ nhập khẩu máy móc từ Việt Nam về chế biến hạt điều. “Thay vì bán hạt điều thô 1 đồng thì họ bán hạt điều sơ chế với mức 2 đồng, và như vậy họ đã lời rất nhiều”, ông Nhựt phân tích.
Theo đó, Phó Chủ tịch Vinacas lưu ý, việc các DN nhập khẩu nguyên liệu thô về chế biến thì tốt cho ngành sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhập bán thành phẩm sẽ gây ra nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài. Đầu tiên là nhiều công nhân ngành điều sẽ mất công ăn việc làm.
Đề xuất quy hoạch vùng nguyên liệu
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, 87,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2023 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch ước đạt 65,9 tỷ USD. Con số này cho thấy nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang phụ thuộc khá lớn vào nguyên liệu từ bên ngoài.
Trải qua giai đoạn COVID-19 vừa qua, nhiều DN đã gặp rất nhiều khó khăn do phụ thuộc nguyên liệu, thậm chí có thời kỳ “ăn đong” vì đứt gãy nguồn cung. Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thiết bị điện MBT (Hà Nội) bày tỏ nỗi trăn trở lớn nhất của DN là gặp khó khăn do phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. "Nhiều khi nguyên liệu phải 2 - 3 tháng mới về, trong khi thời hạn giao hàng của DN cận kề, đôi khi MBT buộc phải xin hoãn, gia hạn thời gian giao hàng", ông Nam cho biết.
Để giải quyết bài toán trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam Đặng Văn Sơn đề nghị, ngành giấy cần được quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, cơ chế chính sách thông thoáng mới có thể thu hút được các nhà đầu tư. Đồng thời, các DN cần được tạo điều kiện vay vốn, sản xuất quy mô lớn hướng đến xuất khẩu, tăng thặng dư thương mại cho ngành.
Với ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho rằng, cần phải tư duy dài hạn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cần định vị lại vị thế của mình. Không còn đơn thuần là gia công công đoạn (CMT), lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá mà phải sớm chuyển đổi sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng).
Để tăng cường tính tự chủ về nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập, ông Việt kiến nghị về lâu dài, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung ngay từ khâu vật tư cung ứng nguyên phụ liệu “xanh” cho đến khâu sản xuất, phân phối. Trong đó, phải có định hướng quy hoạch cụm công nghiệp hỗ trợ với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tập trung vào các công đoạn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt để thu hút đầu tư FDI.
Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia khuyến nghị các DN Việt Nam cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu. Đây là vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.
Ông Trương Thanh Hoài Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Năm 2023, Cục sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững. Trong đó, Cục sẽ tiếp tục nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò của các DN công nghiệp đầu tàu trong nước, cũng như phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng để thúc đẩy liên kết sản xuất với các DN trong nước, khuyến khích các dự án ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ. TS. Lê Đăng Doanh Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào các nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc như dệt may, phụ tùng điện tử… bởi giá rẻ, đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Do đó, muốn tự cung ứng, Việt Nam cần xây dựng được các vùng nguyên liệu thay thế cho nguồn cung đầu vào của Trung Quốc. Đơn cử, vải tự dệt lấy, linh kiện tự sản xuất nhưng vẫn phải đáp ứng yếu tố về giá, chất lượng, thời gian giao hàng. Ông Bạch Thăng Long Phó Tổng giám đốc thường trực Tổng Công ty May 10 Đối với May 10, hiện DN nhập nguyên liệu từ các nhà cung cấp Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông… Dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, nhưng các DN dệt may của chúng ta vẫn gắn liền với “mác” gia công. Điều này đòi hỏi các DN dệt may Việt có sự liên kết các lợi thế cạnh tranh của mình để tạo nên sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh chất lượng để gia nhập thị trường dệt may hiện đại của thế giới, sớm tạo nên những thương hiệu thời trang Việt mang tầm cỡ quốc tế. |
Lê Thúy