Xoay quanh việc đại gia trong ngành ô tô là Thaco mua lại 100% vốn của Công ty TNHH Emart Việt Nam (thuộc tập đoàn bán lẻ Emart của Hàn Quốc), bao gồm cửa hàng hiện hữu là siêu thị Emart Phan Văn Trị và các dự án siêu thị đang phát triển tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, bức tranh thị trường bán lẻ Việt đang được "vẽ lại" sau thương vụ này (dự kiến hoàn tất trong tháng 6/2021) với dấu ấn ngày càng đậm nét của các “ông lớn” khối nội.
Khối nội “chơi lớn”
Bên cạnh việc đạt thỏa thuận nhượng quyền thương mại, độc quyền sử dụng thương hiệu Emart trong vòng 9 năm tới, như chia sẻ của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Group tại đại hội cổ đông thường niên mới đây thì vào năm tới, Thaco sẽ đưa vào hoạt động thêm 3 đại siêu thị Emart và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ mở rộng thêm 10 dự án đại siêu thị mang thương hiệu này.
Sau các thương vụ M&A thì việc tạo lập hệ sinh thái tích hợp bán lẻ của khối nội cũng đang gây sự chú ý lớn. |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc một tập đoàn ở trong nước thực hiện thương vụ M&A lớn với một thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của nước ngoài là điều rất đáng quan tâm.
Giới chuyên gia nhận định, khối nội vẫn tin tưởng vào sức bật của thị trường bán lẻ Việt ngay cả trong giai đoạn Covid-19. Hơn nữa, vào những thời điểm giãn cách xã hội do dịch bệnh, càng giúp nhà đầu tư nội địa có điều kiện để đánh giá sự tăng trưởng bền vững của các thương hiệu bán lẻ. Việc thẩm định chi tiết kỹ càng hơn sẽ giúp cho họ có những quyết định tốt hơn khi tiến tới M&A.
Không những thế, sau các thương vụ M&A thì việc tạo lập hệ sinh thái tích hợp bán lẻ của khối nội cũng đang gây sự chú ý lớn.
Như với thương vụ mua Emart, theo ông Trần Bá Dương, thời gian tới Thaco sẽ hướng đến tích hợp showroom, đi kèm với đó là khu ẩm thực, trung tâm hội nghị, tiệc cưới... vào hệ thống đại siêu thị này.
Còn với CTCP tập đoàn Masan, cuối tháng 5/2021, một công ty con của họ là Công ty TNHH The Sherpa đã rót 15 triệu USD để mua lại 20% của CTCP Phúc Long Heritage. Sau thương vụ này, hai bên cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” với chuỗi cửa hàng trà và cà phê thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng bán lẻ VinMart+ trên toàn quốc.
Không chỉ có vậy, mục tiêu của “ông lớn” nội địa như Masan chính là việc xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ ứng dụng công nghệ, nhất là tăng tốc quá trình chuyển đổi mô hình bán lẻ tích hợp ngoại tuyến (offline) đến trực tuyến (online), còn gọi là mô hình O2O
Cạnh tranh trong thế thắng?
Cũng chính hướng đi này, trong tháng 5/2021, The CrownX (nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce) đã hấp dẫn được nhóm các nhà đầu tư (trong đó có “ông lớn” thương mại điện tử Alibaba và Quỹ đầu tư Baring Private Equity - BPEA) rót số vốn 400 triệu USD để mua 5,5% cổ phần phát hành mới của họ..
Giao dịch này cũng sẽ giúp cho The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của họ, nhất là tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp O2O tại Việt Nam.
Có thể thấy, với những thương vụ M&A lớn trong ngành bán lẻ mang dấu ấn của khối nội được khuấy động trong thời gian gần đây sẽ hứa hẹn việc cạnh tranh. Và như vậy, xu hướng M&A sẽ còn sôi động, khốc liệt hơn nữa.
Nhất là khi thị trường bán lẻ Việt được đánh giá là còn nhiều dư địa tăng trưởng. Điều này có thể thấy rõ trong 5 tháng đầu năm nay, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt tới 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 năm 2016-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 21.765 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 9,1%/năm. Các hình thức hạ tầng bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh chóng.
Số trung tâm thương mại trên cả nước năm 2020 là 250 trung tâm, tăng 48,8% so với năm 2016, còn số siêu thị là 1.163 siêu thị, tăng 34,5%. Song song đó, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, chiếm tỷ trọng trên 90% đối với hệ thống phân phối do các DN bán lẻ trong nước làm chủ (Co.opmart: 90%-93%, Satra: 90%-95%, Vinmart: 96%…).
Những con số trên cho thấy, trên thị trường bán lẻ Việt, các mô hình bán lẻ hiện đại có sức tăng trưởng mạnh, hàng Việt được tiêu thụ rộng rãi và hơn thế nữa là vai trò của các nhà bán lẻ nội địa ngày càng in đậm trên “cuộc đua” với khối ngoại vốn từng được cho là chiếm thế thượng phong.
Việc “đảo ngược thế cờ” trên thị trường bán lẻ Việt đang cần tiếp tục có vai trò lớn của các “ông lớn” khối nội với tiềm lực tài chính vững vàng, đủ sức để thực hiện các thương vụ M&A lớn với các thương hiệu bán lẻ mạnh.
Đặc biệt khi, với thị trường bán lẻ Việt đầy triển vọng nhưng cũng không kém cạnh tranh khốc liệt, đã dẫn đến một số thương hiệu siêu thị, trung tâm phân phối lớn của khối ngoại một thời thu hút sự chú ý của người tiêu dùng như Metro Cash & Carry, Auchan, Cora, Giant, Big C,... dần biến mất khỏi Việt Nam. Và đây chính là giai đoạn cần sự trỗi dậy hơn bao giờ hết và cạnh tranh trong thế thắng của khối doanh nghiệp bán lẻ nội địa.
Thế Vinh