Tính lũy kế đến nay, trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước đang đứng ở vị trí thứ ba với tổng vốn 22,7 tỷ USD (chiếm 6,8% tổng vốn đầu tư), đứng sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện lại không nằm trong tốp 3 về thu hút vốn FDI. Trong khi đó, hồi năm ngoái, việc hút vốn FDI vào lĩnh vực này được cho là có đột phá, xếp ở vị trí thứ hai với 8,37 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Dư địa lớn vẫn kém hấp dẫn
Sự phập phù trong việc hút vốn ngoại vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đặt ra nhiều lo ngại trong bối cảnh ngành điện đang rất cần thêm nhiều vốn để đầu tư theo quy hoạch phát triển điện quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng tăng.
Mục tiêu trong 10 năm tới của Việt Nam là năng lượng phải đáp ứng nhu cầu điện cho hoạt động kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ước tính sẽ cần khoảng 123,8 tỷ USD đầu tư cho phát triển của hệ thống điện quốc gia trong 20 năm tới. Kế hoạch đầu tư lên đến 98 nhà máy với tổng công suất 59.444MW, trong đó EVN sẽ xây dựng 48 nhà máy điện với 33.245MW, tổng mức đầu tư 39,6 tỷ USD.
Có thể thấy, EVN vẫn sẽ là đơn vị chủ đạo, chủ sở hữu trong việc triển khai các nhà máy điện ở trong nước. Nhưng bên cạnh đó, cũng có xu hướng những dự án sản xuất điện là liên doanh giữa công-tư, hay giữa các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài trong việc sản xuất và cung ứng điện.
Trong khi đó, nguy cơ thiếu điện được cho là sẽ bắt đầu ngay trong những năm đầu tiên của giai đoạn 2020-2030, đỉnh điểm sẽ là năm 2022. Đó là chưa kể tốc độ tăng trưởng phụ tải có thể tăng cao hơn so với dự báo.
Tại cuộc họp báo ngày 29/8 giới thiệu về Triển lãm về công nghệ, thiết bị, giải pháp điều phối và truyền tải điện (Eletric & Power Vietnam 2018) và Triển lãm quốc tế về năng lượng tái tạo (Renewable Energy Vietnam 2018) diễn ra từ ngày 12 – 14/9 tại Tp.HCM, ông BT Tee, Tổng Giám đốc công ty UBM Việt Nam, cho rằng giá bán buôn điện ở Việt Nam là một thách thức lớn khi thu hút các nhà đầu tư vào ngành điện, dù đây là ngành còn nhiều dư địa rất lớn.
"Mức giá điện ở Việt Nam hiện rất thấp nếu so với các quốc gia ASEAN. Đơn cử như Campuchia có mức giá điện gần như gấp đôi mức giá điện ở Việt Nam. Giá điện thấp dẫn đến việc có rất nhiều dự án liên quan đến sản xuất điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo được tài trợ bởi ngân hàng gặp nhiều trở ngại", ông BT Tee chia sẻ.
Theo ông BT Tee, nếu như không đảm bảo đủ biên lợi nhuận cho nhà đầu tư chắc chắn sẽ dẫn đến việc Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng tốt của nền kinh tế Việt Nam, cơ hội đầu tư vào ngành sản xuất điện vẫn còn rất lớn.
Lĩnh vực sản xuất điện đang cần nhiều vốn để đầu tư |
Thách thức từ biên lợi nhuận
Cơ hội này, thứ nhất đến từ việc bán các trang thiết bị, công nghệ liên quan đến ngành điện. Thứ hai là thiết lập những doanh nghiệp (DN) hay những dự án liên doanh để sản xuất điện. Thứ ba là sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc duy trì nâng cấp và mở rộng mạng lưới truyền tải điện.
Một số chuyên gia phân tích dự báo nguồn cầu điện ở trong nước vẫn sẽ tăng trưởng ở mức hai con số trong năm nay, trừ các DN thủy điện sẽ khó có mức tăng trưởng cao, đột biến như năm ngoái.
Với các DN nhiệt điện (than và khí), do đặc thù có dư nợ ngoại tệ lớn, diễn biến tỷ giá bất thường trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhất định tới lợi nhuận sau thuế của các DN này.
Ngành năng lượng Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong thập niên tới khi Chính phủ cố gắng tận dụng nguồn vốn FDI và thị trường vốn. Theo phân tích của Finance Asia, công suất điện của Việt Nam hiện không đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt trong bối cảnh ngành sản xuất đang phát triển rất nhanh.
Hiện nay, Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện và các nhiên liệu hóa thạch khác được khai thác mạnh từ các nhiên liệu không tái tạo như than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên… Tuy nhiên, nguồn năng lượng này đang dần cạn kiệt, các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác hết.
Về năng lượng tái tạo, đến nay mới có khoảng 160MW điện gió, 15MW điện mặt trời, 10MW điện sinh khối (chưa tính công suất đồng phát tại các nhà máy đường gần 200MW), những con số còn quá khiêm tốn so với tiềm năng. Giới chuyên gia nhận định xu hướng trung hạn, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, xu hướng đầu tư vào các nguồn năng lượng gió và mặt trời sẽ tăng cao.
Thế Vinh