Theo dự thảo lần hai về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, cơ cấu giá bán lẻ điện sẽ được chia thành 4 nhóm đối tượng khách hàng: ngành sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch; giá bán lẻ điện cho khối hành chính sự nghiệp; giá bán lẻ điện sinh hoạt và giá bán lẻ điện cho kinh doanh.
Khách sạn được mua điện rẻ
Điểm đáng chú ý tại dự thảo lần này là nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn, biệt thự, căn hộ, nhà nghỉ du lịch sẽ được chuyển từ đối tượng tiêu dùng điện kinh doanh sang đối tượng sản xuất. Điều đó có nghĩa nhóm cơ sở lưu trú du lịch sẽ được hưởng cơ chế giá điện mới ngang bằng giá điện sản xuất, thấp hơn nhiều so với mức áp giá điện kinh doanh hiện nay.
Góp ý về sự thay đổi này, Bộ Tài chính cho biết nhất trí với sự điều chỉnh. Tuy nhiên, thực tế có cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn) cung cấp các dịch vụ khác như: dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, khu liên hợp thể dục thể thao, quầy hàng… đều sử dụng điện.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu, hướng dẫn trong việc áp dụng giá bán điện cho đối tượng này, đồng thời hướng dẫn các đối tượng cơ sở lưu trú du lịch tránh phát sinh các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị ban soạn thảo đánh giá rõ và cụ thể hơn các kịch bản tác động chi phí của việc chuyển nhóm các cơ sở lưu trú du lịch từ nhóm sử dụng điện kinh doanh sang điện sản xuất để có được lựa chọn tốt nhất, cân bằng về kinh tế.
"Quyết định chuyển hay không chuyển nhóm sử dụng điện kinh doanh sang điện sản xuất nên dựa trên phân tích chi phí – lợi ích. Liệu lợi ích của việc giảm giá điện với ngành khách sạn có lớn hơn các chi phí đối với ngành điện, với nền kinh tế phải gánh chịu hay không?", VCCI nêu vấn đề.
Trên thực tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán việc điều chỉnh giá bán lẻ điện của nhóm khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch" bằng giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sản xuất khiến doanh thu bán điện của EVN giảm khoảng 1.858,72 tỷ đồng (số liệu năm 2016) và 2.630 tỷ đồng (tương ứng sản lượng điện thương phẩm dự kiến năm 2018) nên cần thiết phải điều chỉnh tăng giá cho nhóm khách hàng sản xuất để bù đắp cho khoản giảm doanh thu này cũng như làm giảm khoảng cách với giá điện cho nhóm khách hàng kinh doanh, dịch vụ theo phương án.
Trước các ý kiến trên, Bộ Công Thương lý giải, quy định về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách "điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất".
Trường hợp điều chỉnh giá bán lẻ điện của nhóm khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch" bằng giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sản xuất sẽ làm giảm giá bán lẻ điện bình quân thực hiện so với mức được duyệt.
Để bù đắp khoản hụt giá bán lẻ điện bình quân trên, Bộ Công Thương cho rằng cần thiết phải điều chỉnh tăng giá của nhóm khách hàng sản xuất.
Ngoài ra, do giá bán điện cho giờ thấp điểm hiện nay thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân (từ 52% – 56%) nên có thể nghiên cứu để điều chỉnh tăng giá giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất để bù đắp cho khoản giảm giá bán lẻ điện bình quân.
Theo báo cáo của EVN, cần thiết điều chỉnh tỷ trọng giá bán lẻ điện giờ thấp điểm cho nhóm khách hàng sản xuất tăng từ 4% – 8% so với giá bán lẻ điện bình quân.
"Việc điều chỉnh được thực hiện theo nguyên tắc kế thừa các nội dung còn phù hợp và không làm thay đổi quá lớn trong cơ cấu nhóm khách hàng sử dụng điện cũng như trong cơ cấu biểu giá", Bộ Công Thương khẳng định.
Khách sạn được đề xuất hưởng cơ chế giá điện mới ngang bằng giá điện sản xuất |
Điện sinh hoạt bao nhiêu bậc?
Bên cạnh giảm giá điện cho nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được ban soạn thảo giữ nguyên mức chia thành 6 bậc tiếp tục nhận được nhiều ý kiến.
Theo dự thảo này, bậc thấp nhất là 0-50 kWh (có giá điện thấp nhất là 1.549 đồng/ kWh), bậc cao nhất là từ 401 kWh trở lên (mức giá 2.701 đồng/kWh).
Hội Điện lực Việt Nam cho rằng việc quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt "Bậc 4: Cho kWh từ 101 – 200" là mức tiêu thụ trung bình của đại đa số các hộ sử dụng điện sinh hoạt, do vậy, nên lấy mức tiêu thụ này làm gốc và bằng 100% giá bán lẻ điện bình quân để tính cho các bậc thang khác.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên như dự thảo do mức bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (từ 0 – 50 kWh) và bậc 2 (từ 51 – 100 kWh) được tính toán tương ứng chỉ bằng 92% và 95% so với mức giá bán lẻ điện bình quân, nên mức giá của các bậc tiếp theo được điều chỉnh tăng dần để bù đắp cho hai bậc đầu và đồng thời đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Hội Nông dân Việt Nam cho rằng về giá bán điện cho khách hàng sinh hoạt, việc điều chỉnh giá điện sinh hoạt sẽ ảnh hưởng mạnh đến đối tượng có thu nhập thấp, trong đó chủ yếu là các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách xã hội và các hộ nông dân.
Bộ Công Thương khẳng định về lý thuyết, khi điều chỉnh số bậc thang điện sinh hoạt sẽ không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt nên không làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá bán lẻ điện của các nhóm khách hàng khác.
Khi thực hiện điều chỉnh số bậc sinh hoạt rút từ 6 bậc xuống còn 3 bậc, trong đó bậc thấp nhất giữ nguyên là từ 50kWh đầu tiên (giá điện 1.484 đồng/kWh). Bậc 2 từ 51 kWh – 300 kWh với mức giá 1.768 đồng/kWh. Bậc 3 là từ 301 kWh trở lên chịu mức giá 2.559 đồng/ kWh không làm tăng tiền điện của các hộ sử dụng dưới 50 kWh.
Tuy nhiên, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 51-100 kWh/tháng và 101-200 kWh/tháng (khoảng 14 triệu hộ) phải trả tăng thêm khoảng 10.000- 12.000 đồng/hộ/tháng, các hộ sử dụng nhiều điện từ 300 kWh/tháng trở lên được hưởng lợi từ giảm giá điện. Điều này không phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nên rút gọn từ 6 bậc về 3 hay 4 bậc. Theo thống kê, khoảng 65% số hộ dân dùng điện trong khoảng 150kWh/tháng nên đề xuất bậc thang đó sẽ hợp lý, như thế đại đa số dân được hưởng giá điện thấp. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Việc các kịch bản điều chỉnh cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt giảm từ 6 bậc xuống 3, 4 hay 5 bậc, nhóm khách hàng thu nhập trung bình, thấp từ 51-100kWh/tháng và từ 101-200kWh/ tháng là nhóm chiếm số đông sẽ bị thiệt. Hội đề nghị nên cân nhắc kỹ nếu muốn thay đổi. PGs.Ts. Nguyễn Văn Ngãi - Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM Việc phân nhóm, chia mức giá theo các khung giờ cao điểm, thấp điểm… trong sử dụng điện là hoàn toàn hợp lý nhằm khuyến khích người dùng tiết kiệm, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, việc quá ưu ái cho sản xuất là vấn đề cần phải cân nhắc. Tôi đồng ý chúng ta phải có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành sản xuất phát triển nhưng song song với đó cũng phải có cả chính sách hỗ trợ người tiêu dùng. |