Vụ việc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động đơn phương giảm 70 - 100% số tiền thuê mặt bằng trong nhiều tháng liền không chỉ gây rủi ro về mặt pháp lý, dư luận phản ứng gay gắt, mà còn phần nào phản ánh tình thế khó khăn chung của ngành bán lẻ trong lĩnh vực điện máy giữa mùa dịch Covid-19 năm nay.
Tình thế khó khăn chung
Bởi lẽ, riêng hệ thống Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh đã có gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng khi các biện pháp để phòng chống dịch bệnh được triển khai mạnh mẽ từ tháng 7.
“Sống chung” với đại dịch Covid-19 đòi hỏi ngành bán lẻ thích ứng tốt trước những thay đổi quá nhiều của khách hàng. |
Đây cũng là tình trạng chung của các nhà bán lẻ điện máy (đặc biệt là ở các tỉnh, thành phía Nam) trong những tháng vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chính điều này làm cho doanh số giảm mạnh, hàng tồn kho tăng cao. Hàng loạt cửa hàng, siêu thị bán lẻ điện máy phải đóng cửa, khó khăn chồng chất, thua lỗ nặng nề. Số lượng hàng tồn đã lên đến hàng triệu sản phẩm, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến phức tạp của đại dịch khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên khó tránh khỏi việc sản phẩm điện máy tiêu thụ chậm, dù cho giá giảm mạnh.
Áp lực chi phí thuê mặt bằng với các nhà bán lẻ điện máy ngày càng lớn khi mà hệ thống của họ phải đóng cửa, doanh số bán giảm, hàng tồn kho tăng cao, đối mặt thua lỗ lớn.
Ngoài khó khăn của mảng bán lẻ điện máy, trong báo cáo mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường JLL đã chỉ rõ ở Tp.HCM khi thực hiện 120 ngày giãn cách xã hội từ đầu tháng 6/2021 đã dẫn đến việc các trung tâm bán lẻ ngừng phần lớn hoạt động, ngoại trừ các cửa hàng kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép mở cửa.
Không những vậy, theo JLL, một số trung tâm thương mại tiếp tục hoãn kế hoạch khai trương tới năm 2022 mặc dù đã hoàn thành xây dựng. Bên cạnh đó, kế hoạch khai trương các trung tâm bán lẻ mới trong quý 4/2021 dự kiến sẽ tiếp tục bị trì hoãn sang năm 2022, bao gồm trung tâm thương mại Socar Mall và các trung tâm thương mại thuộc khối đế các dự án phức hợp, do không đạt được tỷ lệ lấp đầy yêu cầu.
Đối với các trung tâm thương mại hiện hữu, một số chủ sở hữu mặt bằng dự kiến sẽ có những đợt cơ cấu lại khách thuê và mặt bằng thuê, nhằm tạo ra bộ mặt mới cho các trung tâm thương mại sau khi mở cửa trở lại sau giãn cách.
Còn với bán lẻ truyền thống, ghi nhận ở Tp.HCM cuối tuần qua cho thấy trên toàn địa bàn thành phố mới chỉ có 34/234 chợ truyền thống đang hoạt động, còn lại vẫn tạm ngưng sau các tháng giãn cách xã hội vừa qua. Số lượng chợ truyền thống hoạt động trở lại dự kiến tăng trong vài ngày tới khi nhiều quận, huyện đã lên kế hoạch mở lại các chợ.
“Phép thử” từ thay đổi của khách hàng
Nêu ra vài dữ liệu có gam “màu xám” của mảng bán lẻ điện máy cho đến các trung tâm thương mại và chợ truyền thống để thấy làn sóng dịch Covid-19 đợt 4 đã gây khó cho hoạt động bán lẻ như thế nào.
Mới đây, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết trong tháng 9/2021 khi dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 6,5% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm đến 28,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Bộ Công Thương, do tác động của dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, dẫn đến đã ảnh hưởng mạnh đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chung của cả nước (các địa phương này chiếm tỷ trọng khoảng 50 - 60%).
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bước sang giai đoạn “sống chung” với đại dịch như hiện tại, giới chuyên gia kỳ vọng thị trường bán lẻ Việt sẽ trở lại đà hồi phục, được ví von như “sau cơn mưa, trời lại sáng”.
Tuy vậy, thách thức lớn cho ngành bán lẻ Việt trong thời gian tới là việc người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu chủ yếu chỉ tập trung vào các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.
Không những vậy, để “sáng” trở lại thì các nhà bán lẻ cũng cần nắm bắt những thay đổi quá nhiều của khách hàng sau Covid-19. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô suy yếu, việc làm không ổn định và thu nhập hộ gia đình giảm, khiến người tiêu dùng buộc phải đánh giá lại các giá trị và ưu tiên của họ.
Sức hoành hành của đợt dịch Covid-19 lần này đã thúc đẩy mạnh hơn việc mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý. Theo đó, người tiêu dùng có những ưu tiên khi chọn lựa mặt hàng mua sắm, từ tính tiện lợi, tiêu dùng xanh, phát triển mạnh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong phân phối…
Tất cả những “phép thử” này đòi hỏi các nhà bán lẻ Việt phải thích ứng, để không phải rơi vào cảnh khó khăn rồi “đôi co”, hành động “cùn” với các chủ cho thuê mặt bằng như trường hợp của Thế giới Di Động.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.