Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết “thói quen số” và sở thích không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã gia tăng từ trước đại dịch Covid-19. Và đại dịch đã thúc đẩy hơn nữa điều này, từ đó thay đổi hoàn toàn lối sống và thói quen của mọi người.
"Ưu tiên kỹ thuật số" của người tiêu dùng
Theo bà Wong, người Việt hiện đang sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt là các phương thức thanh toán số, trong các hoạt động thường ngày một cách an toàn hơn mà không cần tiếp xúc. Sự chuyển đổi số này sẽ còn tiếp diễn lâu dài.
Trước “thói quen số” giữa đại dịch Covid-19, phương thức thanh toán QR được dự báo có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. |
Chia sẻ tại diễn đàn trực tuyến vào ngày 7/10 bàn về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ở Việt Nam năm 2021, bà Wong nhấn mạnh tương lai của tiền tệ chính là kỹ thuật số. Và đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh bước tiến vào thế giới số, với lối sống và tư duy “ưu tiên kỹ thuật số” của người tiêu dùng.
Tuy vậy, vị giám đốc của Mastercard tại Việt Nam lưu ý sẽ vẫn cần thêm thời gian để nắm bắt những cơ hội nhằm chiếm trọn được cảm tình của người tiêu dùng với thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Wong nhận định ở Việt Nam, chính phủ đang tiến tới một nền kinh tế kỹ thuật số, nơi mọi người dân sẽ có nhận dạng kỹ thuật số với mã QR (mã phản hồi nhanh) vào năm 2025. Với 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, phương thức thanh toán QR có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Hơn thế nữa, sự hào hứng của người tiêu dùng Việt đối với hàng loạt công nghệ thanh toán trong năm tới, được dự đoán sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như mã QR, ví điện tử hay di động, thanh toán trả góp, sinh trắc học và các hình thức khác.
Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là tỷ lệ sử dụng tiền mặt vẫn còn cao xuất phát từ thực tế là các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ mới chỉ miễn cưỡng thiết lập thanh toán kỹ thuật số hoặc không hiểu lợi ích đến từ các phương thức này.
“Cần phải tăng cường hợp tác giữa các bên trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm ngân hàng, Fintech (công nghệ tài chính), chính phủ để xây dựng một hệ sinh thái, cũng như hỗ trợ giáo dục các DN về lợi ích hiệu suất của thanh toán kỹ thuật số”, bà Wong nói.
Hoạt động thanh toán trực tuyến hiện nay được ghi nhận đang chiếm ưu thế tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội hay Tp.HCM. Và trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 thì hoạt động này đã gia tăng mạnh mẽ.
Tỷ lệ áp dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt ở những thành phố này là rất cao, không chỉ đối với ví điện tử mà còn các hình thức thanh toán qua thẻ. Trong khi đó, ở các thành phố cấp thấp hơn, tiền mặt vẫn luôn được ưu tiên.
Cần chuyển động nhanh hơn
Nhìn từ thực tế này, ông Yuan Fang, giám đốc của SEA Investment thuộc quỹ đầu BAce Capital, cho rằng, lĩnh vực Fintech và thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển.
Nhất là khi mức độ tiếp cận với tín dụng và các dịch vụ ngân hàng vẫn còn thấp. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam chưa thể tận hưởng những lợi ích của thanh toán không tiền mặt. Ngay cả lĩnh vực Fintech hiện tại vẫn còn sơ khai và giới đầu tư đang có quan điểm rất tích cực về triển vọng tăng trưởng của nó trong tương lai.
Tất nhiên, điều cốt yếu là làm thế nào để các DN có thể khuyến khích người tiêu dùng Việt Nam chuyển sang thanh toán trực tuyến. Trước những tác động của đại dịch Covid-19 như hiện nay, giới chuyên gia khuyến nghị các DN cần nhận thức lợi ích của số hoá và chuyển động về “thói quen số” của người tiêu dùng để chớp cơ hội thích ứng tốt hơn.
Ngay cả trong các lĩnh vực tài chính ở Việt Nam như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm cũng ngày càng đòi hỏi đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), đánh giá đến thời điểm này, chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán đang diễn ra khá tích cực. Nhiều công ty chứng khoán dùng phần mềm (App) để nhà đầu tư quản lý tài khoản cũng như có ngưỡng cảnh báo rủi ro.
Theo ông Kỳ, chuyển đổi số không còn là xu thế. Hoạt động này càng sớm và hiệu quả, càng cho thấy năng lực quản trị kinh doanh, định vị giá trị - thương hiệu doanh nhân, DN, đặc biệt trong giai đoạn Covid -19 tác động đa chiều.
“Để đón dòng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động chuyển đổi số trên thị trường chứng khoán cần chuyển động nhanh hơn”, ông Kỳ nói.
Như nhận định của vị tổng thư ký VASB, những bước tiến rất nhanh của công nghệ khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng đã có sự thay đổi nhanh chóng, trên đa kênh, không phụ thuộc vào các giao tiếp vật lý với công ty.
Điều này chính là cơ hội để các DN trong lĩnh vực tài chính đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh. Nhất là trước “thói quen số” của người tiêu dùng thì các sản phẩm dịch vụ có yếu tố số hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu mà phải tiến tới nâng cao trải nghiệm cho họ.
Hơn thế nữa, các DN Việt nên xác định bước chuyển này phải là một quá trình diễn ra liên tục. Điều này đòi hỏi phía DN phải chuyển đổi số cho đến khi đạt được các mục tiêu trong lộ trình đã đề ra.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.