Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ông dẫn câu nói của Paul R. Krugman - Nhà kinh tế học người Mỹ, đạt giải Nobel kinh tế đánh giá: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn, năng suất gần như là tất cả!”.
Năng suất lao động mỗi giờ làm việc năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 10,2 USD, mức khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. |
Đối với kinh tế Việt Nam, TS. Lâm cho rằng cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy vậy, theo số tuyệt đối tính theo sức mua tương đương năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan.
So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc.
“So sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới trong thời gian tới”, ông Lâm nhìn nhận.
So sánh năng suất tính theo số giờ làm việc trên mỗi lao động đang làm việc (tính bằng GDP trên tổng số giờ làm việc của lao động làm việc trong năm) thể hiện bức tranh rõ nét hơn sự thay đổi năng suất lao động trong nền kinh tế do kiểm soát tốt hơn tình trạng thiếu việc làm hiện phổ biến ở nhiều quốc gia.
Tính theo sức mua tương đương năm 2017, năng suất lao động mỗi giờ làm việc năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 10,2 USD, mức khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, Singapore đạt 74,2 USD; Malaysia 25,6 USD; Thái Lan 15,1 USD; Indonesia 13 USD; tương đương năng suất lao động mỗi giờ của Philippines 10,1 USD. Tại các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động mỗi giờ làm việc của Mỹ đạt 70,7 USD; Pháp 58,5 USD; Anh 51,4 USD; Hàn Quốc 41,5 USD; Nhật Bản 39,6 USD; Trung Quốc 13,5 USD.
TS. Nguyễn Bích Lâm chỉ ra, năng suất lao động của Việt Nam thấp là do: Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý; Chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành; Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp; Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; Nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết hiện nay, trên thế giới chỉ có khoảng 11 quốc gia có thể duy trì tăng năng suất về lâu dài, trong đó Mỹ là quốc gia dẫn đầu và phần lớn các quốc gia là ở châu Âu. Điểm chung của các quốc gia này là những nước xuất khẩu thành công, tận dụng nhu cầu nước ngoài để tăng quy mô sản xuất các ngành cả công nghiệp và nông nghiệp.
Chuyên gia của UNDP chia sẻ thực tiễn trước đây ở khu vực Đông Nam Á có Thái Lan và Malaysia có tốc độ tăng năng suất lao động tăng nhanh, tuy nhiên 2 nước này lại không duy trì được tốc độ tăng năng suất lao động sau khủng hoảng tài chính châu Á. Các quốc gia này không nâng cấp được chính sách phát triển khi đạt được mức thu nhập trung bình mà tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu chi phí thấp mà không đổi mới để nâng cấp công nghệ, nâng cấp năng lực của các ngành sản xuất trong nước.
Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng “ngưỡng mộ” trong một thời gian. Song, vấn đề đặt ra là Việt Nam liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước trên hay không? Theo chuyên gia của UNDP, vấn đề then chốt là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia. Ngoài ra, chuyên gia của UNDP cũng góp ý vào công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Bích Lâm nhắn nhủ: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị cần thấm nhuần nhận thức về tầm quan trọng của năng suất lao động, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam.
“Suy cho cùng, để “cạnh tranh sòng phẳng” với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới, chúng ta phải cạnh tranh bằng năng suất lao động vượt trội”, ông Lâm nhấn mạnh.
Thy Lê