Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương tại Hội thảo Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam sáng ngày 29/11.
Hội thảo Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. |
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, trong giai đoạn vừa qua, năng suất lao động của Việt Nam có những cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 5,8%/năm, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015 trước đó.
Năm 2021, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam khoảng 4,7%, cao nhất trong các nước ASEAN. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là nước có mức năng suất lao động thấp và khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cụ thể nhằm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2022, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động.
Để hoàn thành nhiệm vụ trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, cần làm rõ xu hướng năng suất lao động của Việt Nam trong mối tương quan với tăng trưởng và với các nước trong khu vực; Hiệu quả thực thi chính sách thúc đẩy năng suất lao động quốc gia trong giai đoạn vừa qua; Những điểm nghẽn đang cản trở tăng năng suất lao động...
Báo cáo của Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, ở cấp độ tổng thể nền kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong 10 năm 2011-2020 đạt 6,0%, trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5% và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,0%). Tuy vậy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng.
Trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù năng suất lao động thấp nhưng tốc tăng tăng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu. Trong khi đó, năng suất lao động của khu vực công nghiệp-xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. Năng suất lao động của khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.
Theo vùng kinh tế trọng điểm, năng suất lao động không đồng đều, tập trung ở một số thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu,...) và chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Nam.
Đáng lưu ý, tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng giảm dần, các địa phương “dẫn dắt” trong vùng chưa phát huy hết vai trò lan tỏa, chưa đóng vai trò thúc đẩy và lôi kéo tăng trưởng của vùng.
Theo đó, Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động hướng tới mục tiêu coi đây là động lực, nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững; trên cơ sở tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp, chuyển đổi số và thông qua thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng; từ đó góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.
Cụ thể, Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động dự kiến đặt ra tốc độ tăng năng suất lao động bình quân từ 6,5-7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố lớn cao hơn trung bình cả nước; Phấn đấu Việt Nam nằm trong nhóm hàng đầu của ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030...
Thy Lê