Đây là thông tin vừa được trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố trong ấn phẩm: Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên, với chủ đề: Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số.
NSLĐ Việt Nam còn khoảng cách so với nhiều nước
Trong giai đoạn 2010 - 2019, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam đã tăng xấp xỉ 1,6 lần từ mức 38,47 triệu đồng/lao động năm 2010 lên mức 60,68 triệu đồng/lao động năm 2019 (tính theo giá so sánh 2010). Bình quân giai đoạn 2016 – 2019, NSLĐ tăng với tốc độ 5,93%/năm, cao hơn so với mức bình quân 4,61%/năm trong thời kỳ 2011-2015.
NSLĐ của Việt Nam và một số nước trong khu vực năm 2019 (PPP USD 2011). Nguồn: ILOSTAT. |
Nếu tính theo giá hiện hành, NSLĐ năm 2019 đạt 110,4 triệu đồng/lao động, tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018. Mặc dù NSLĐ tổng thể tăng đều qua các năm nhưng nhìn chung mức NSLĐ của toàn nền kinh tế còn rất thấp.
Đặc biệt, so với các nước vẫn còn khoảng cách rất lớn. Chẳng hạn, NSLĐ của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng khoảng 1/5 Malaysia; so với Thái Lan và Trung Quốc bằng khoảng 1/3, so với Indonesia bằng khoảng 1/2, và gần bằng một nửa NSLĐ trung bình của khối ASEAN.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, đồng chủ biên ấn phẩm: Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019, cho rằng NSLĐ thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do những ngành có NSLĐ thấp lại chiếm tỷ trọng lao động cao (như nông nghiệp). Ngoài ra, chất lượng lao động mà biểu hiện trước hết ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn rất thấp (con số này là 21,9% năm 2018) và tăng chậm, ngay cả số đã qua đào tạo thì cơ cấu cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý (tỷ lệ tương quan giữa trình độ đại học trở lên – cao đẳng – trung cấp – sơ cấp tương ứng là: 1 – 0,35 – 0,63 – 0,38).
Thực tế cho thấy, hiện nay, Việt Nam đang rất thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và đang phải đối diện với những thách thức lớn về thiếu hụt lao động có trình độ cao, có kỹ năng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho nền kinh tế trong bối cảnh phát triển mới của kinh tế số.
Tư nhân lép vé
Thống kê cho thấy, trong ba khu vực lớn của nền kinh tế, khu vực kinh tế, khu vực FDI luôn dẫn đầu về mức NSLĐ, bởi khu vực này có tỷ lệ lao động chuyên môn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ số rất cao. Đứng thứ hai là khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế tập thể, khu vực kinh tế cá thể) có mức NSLĐ thấp nhất.
Số lao động làm việc trong khu vực kinh tế tập thể giảm mạnh từ 364.127,7 lao động năm 2010 xuống còn 81.362 lao động năm 2018 (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Cụ thể, năm 2018, NSLĐ của khu vực kinh tế FDI đạt 225,12 triệu đồng/lao động gấp khoảng 1,3 lần khu vực nhà nước và gấp 6,9 lần khu vực ngoài nhà nước; khu vực kinh tế nhà nước là 175,37 triệu đồng/lao động;
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước được đánh giá có NSLĐ thấp nhất, tuy nhiên khu vực kinh tế tập thể lại có mức NSLĐ khá cao. Số lao động làm việc trong khu vực này cũng giảm mạnh từ 364.127,7 lao động năm 2010 xuống còn 81.362 lao động năm 2018.
Khu vực kinh tế tư nhân có mức NSLĐ đạt 44,58 triệu đồng/lao động, thấp hơn khu vực kinh tế tập thể, khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế FDI, nhưng cao hơn so với khu vực kinh tế cá thể và mức NSLĐ tổng thể nền kinh tế.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, đồng chủ biên ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019, dù được coi là động lực chính của nền kinh tế nhưng khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên gặp hạn chế trong việc nâng cao NSLĐ, do khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia chuỗi giá trị do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt…
Đáng lưu ý, trong nhóm kinh tế ngoài nhà nước, khu vực kinh tế cá thể chiếm trên 83% lao động, tạo ra trên 70% việc làm của nền kinh tế, nhưng có mức NSLĐ thấp nhất, đạt 27,52 triệu đồng/lao động năm 2018 - chưa bằng một nửa NSLĐ tổng thể.
“Nếu việc dịch chuyển lao động từ khu vực kinh tế cá thể sang các khu vực tiên tiến có quy mô lớn hơn diễn ra thuận lợi thì NSLĐ tổng thể sẽ tăng lên rất nhanh. Do đó, việc tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển lên quy mô lớn hơn là bài toán cốt lõi để nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế”, GS.TS Trần Thọ Đạt cho hay.
Để có thể đạt được mức độ tăng cao hơn nữa của NSLĐ trong giai đoạn sắp tới, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng cũ đã gần hết dư địa, theo các chuyên gia, cần phải có động lực mới. Trong đó, nền tảng công nghệ số và kỹ thuật số là một lựa chọn.
Đầu tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg về giải pháp thúc đẩy tăng NSLĐ quốc gia. Theo Chỉ thị, NSLĐ của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng. Mức NSLĐ theo sức mua tương đương của Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN. Chỉ thị yêu cầu phải thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhất là từ lao động có giá trị gia tăng thấp sang có giá trị gia tăng cao hơn; cải cách mạnh mẽ hơn nữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để tăng NSLĐ… |
Thanh Hoa