Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) |
Phát biểu tại Diễn đàn "Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới" tổ chức sáng nay (29/10), bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng loạt FTA lớn đã và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thực thi đặt ra cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội và thách thức.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, đến năm 2035 hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương 15 tỷ USD. Trong bối cảnh này, tính cạnh tranh giữa hàng nội địa sẽ ngày càng được nâng cao, chưa kể hàng hoá từ các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc... cũng tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam.
Do đó, để chinh phục được thị trường quốc tế, trước tiên hàng Việt Nam phải chiến thắng được ngay trên "sân nhà".
Cũng theo bà Nga, trong 10 năm qua, kể từ khi Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được phát động, đến nay, hàng Việt Nam đã dần được người tiêu dùng trong nước tin dùng.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019 cho thấy, có 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm đến Cuộc vận động, 67% người tiêu dùng tự xác định sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè nên sử dụng hàng Việt Nam.
Hiện, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao, như tại Coop.mart chiếm 90%-93%, ở Satra: 90%-95%, Vinmart là 96%, Hapro là 95%... Với các kênh phân phối nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm 65%-96%.
Đặc biệt, trong sản xuất kinh doanh, hàng Việt đã biết khai thác yếu tố văn hoá dân tộc, đặc sản vùng miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 45 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm với hơn 2.049 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã phường một sản phẩm) được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 43 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hoá OCOP đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, hàng Việt Nam hiện nay vẫn còn những yếu thế, như còn sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, chưa đảm bảo VSATTP, giá của nhiều mặt hàng còn cao hơn so với các nước.
Ngoài ra, bất lợi của hàng Việt là mẫu mã, bao bì, hình thức chưa bắt mắt..., khâu trung gian và lưu thông phân phối còn chiếm tỷ trọng cao dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế.
Do đó, để tiếp nối được những thành công đã đạt được, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ.
Cùng với đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối đến người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế trên "sân nhà".
"Hơn ai hết, doanh nghiệp Việt Nam hãy hiểu người Việt Nam một cách tốt nhất để thoả mãn được tối đa các nhu cầu của chính những khách hàng trên lãnh thổ của mình. Khi đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ luôn tin tưởng và đồng hành cùng hàng Việt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi có hậu phương vững chắc thì việc vươn ra ngoài thế giới sẽ tự tin và đạt hiệu quả cao hơn", bà Nga nhận định.
Minh Khuê