Thép là sản phẩm có số vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. |
Tại Hội thảo "Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập" ngày 27/10, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng và có 13 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới. Với mức thuế đối với hàng nhập khẩu đã về thấp, có loại về 0%, khiến sức ép cạnh tranh giữa các ngành sản xuất nội địa và hàng nhập khẩu gia tăng.
Tuy nhiên, thách thức cạnh tranh không phải là rủi ro đáng lo ngại nhất, vì doanh nghiệp đã tham gia "cuộc chơi" thì phải chấp nhận cạnh tranh. Rủi ro lớn nhất chính là hàng hóa từ nước ngoài vào cạnh tranh không lành mạnh bằng nhiều hình thức như bán phá giá, được trợ cấp…
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra càng khiến chúng ta có nhiều lý do để lo ngại. Bởi lẽ, những nguồn hàng bị dư thừa, chuyển hướng sẽ vào Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu các biện pháp hợp pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước", bà Trang nói.
Rà soát của Trung tâm WTO và Hội nhập cho thấy, trong các nguồn cung hàng hóa vào Việt Nam, có nhiều nước có số vụ bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM) đứng hàng đầu trên thế giới. Điển hình là Trung Quốc - nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 1995-2019 bị kiện trên 1.500 vụ.
Theo đánh giá của bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM, thực tế hiệu quả của các biện pháp PVTM cho các doanh nghiệp nội địa rất lớn. Cụ thể là giúp tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, bảo vệ lợi ích các ngành sản xuất trong nước - các ngành này đóng góp tới 6% tổng GDP năm 2019, bảo vệ việc làm cho khoảng 150.000 việc làm, phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu cơ bản để đóng góp vào sự phát triển nói chung.
Ngoài ra, đối với hàng hóa xuất khẩu, các nước cũng gia tăng PVTM đối với hàng hóa Việt Nam. Theo báo cáo, tính đến hết tháng 9, Bộ Công Thương đã ghi nhận và xử lý 193 vụ việc PVTM mà nước ngoài áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam, bao gồm 108 vụ việc chống bán phá giá, 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. Trong 9 tháng qua, tổng số vụ việc mới khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là 31 vụ, gấp gần 2 lần so với toàn bộ vụ việc khởi xướng năm 2019.
Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, EU, Ấn Độ, Canada và Úc, với 62% các vụ việc bị điều tra đến từ những nước này. Tuy nhiên, gần đây các nước ASEAN cũng tăng cường điều tra PVTM với Việt Nam, với tỷ lệ đã tăng lên đến 20%.
Đáng lo ngại là hiện nay, tuy nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về PVTM đã cao hơn, nhưng con số này chưa nhiều. Trong khi các doanh nghiệp FDI có bộ phận rà soát các quy định để đưa ra chiến lược hoạt động thì nhiều doanh nghiệp Việt đến khi ký đơn hàng, thậm chí là xuất khẩu hàng đi rồi mới biết quốc gia đó đang áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Giang nêu dẫn chứng: "Có doanh nghiệp sản xuất túi dệt xuất khẩu sang Mỹ, nhưng trước đó sản phẩm này đã bị Mỹ kiện chống bán phá giá mà doanh nghiệp không hề hay biết. Hay EU áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu với một mặt hàng thép Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn sản xuất và xuất khẩu sang các quốc gia trong khối này".
Ngoài ra, việc áp dụng PVTM vẫn còn những hạn chế do pháp luật về PVTM chưa hoàn thiện, năng lực cơ quan điều tra còn nhiều điểm cần học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý.
Từ những vấn đề nêu trên, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang lấy ý kiến để xây dựng dự thảo quyết định phê duyệt Đề án nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh hội nhập. Trong đó, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các văn bán pháp luật, chính sách về PVTM, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đẩy mạnh công tác đào tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, việc xây dựng hệ thống một cửa liên thông giữa cơ quan PVTM và cơ quan hải quan tại Đề án là rất cần thiết để có thể tiếp cận thông tin một cách chính xác, chính thống.
Các chuyên gia cho rằng, PVTM không phải công cụ bảo hộ của cơ quan quản lý mà là công cụ để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp phải đưa PVTM vào chiến lược kinh doanh, là yếu tố phải xử lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thanh Hoa