Nhiều doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ đã phát đi tín hiệu trong thời gian gần đây về sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng Việt. Đơn cử ở thị trường xe máy, trong tháng 2/2023, Honda Việt Nam (chiếm thị phần xe máy lớn nhất tại Việt Nam) chỉ bán được 140.669 chiếc xe máy ra thị trường, giảm 36,8% so với tháng đầu năm và giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo động sức mua
Còn ở mảng ô tô, doanh số của mẫu xe Honda Accord sụt giảm tới 86%, Honda Civic giảm 60% so với tháng trước đó. Không chỉ riêng thương hiệu Honda, nhiều mẫu xe ô tô khác của các hãng xe khác cũng ghi nhận mức giảm doanh số mạnh so với tháng trước.
Muốn cải thiện sức mua vào thời điểm này, các DN, nhà bán lẻ phải tăng niềm tin của người tiêu dùng thông qua chính sách bán hàng. |
Tương tự, sức mua ở thị trường điện máy, công nghệ đang giảm sâu. Qua ghi nhận tại các trung tâm, siêu thị điện máy ở Tp.HCM cho thấy hàng tồn chất đầy kho, trong khi khách hàng khá thưa thớt, sức mua giảm tới 50% so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Thị trường điện thoại di động cũng đang trải qua giai đoạn ảm đạm. Theo Công ty nghiên cứu thị trường GFK, trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh số thị trường di động Việt chỉ đạt 2,5 triệu chiếc, giảm xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh số điện thoại thông minh (smartphone) bán ra giảm tới mức báo động khiến nhiều đại lý lớn chấp nhận chịu lỗ để duy trì doanh thu. Ở phân khúc điện thoại giá rẻ dưới 5 triệu đồng, chuỗi bán lẻ 24hStore bị ảnh hưởng nhiều nhất khi sức mua giảm đến 70% so với năm ngoái.
Theo ước tính từ giới phân tích, thị trường tiêu dùng tại Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng mạnh đến hết nửa đầu năm 2023 và dần phục hồi đà tăng trưởng kể từ quý III/2023. Muốn cải thiện sức mua vào thời điểm này, điều quan trọng là bản thân các DN, nhà bán lẻ phải tăng niềm tin của người tiêu dùng thông qua chính sách bán hàng của mình.
Chẳng hạn như chính sách “mua trước trả sau”, hay còn gọi là “mua trả góp” dù đang có những ý kiến trái chiều, nhưng được cho là vẫn có thể giúp kích cầu tiêu dùng, thu hút được nhiều người mua khi mà khả năng tài chính hiện tại của họ chưa đủ để chi trả dứt điểm một lần.
Theo đó, chỉ cần số tiền trả trước ban đầu đáp ứng yêu cầu tối thiểu của nhà bán hàng thông qua phối hợp với các công ty tài chính hoặc có khi không cần trả trước đồng nào, người tiêu dùng vẫn có thể sở hữu những mặt hàng từ điện thoại, máy tính, điện máy, đồ gia dụng cho đến xe máy, ô tô…
Cần có hành lang pháp lý rõ ràng
Ts. Phạm Nguyễn Anh Huy (Đại học RMIT) cho rằng, hình thức “mua trước trả sau” đang nổi lên với nhiều ưu điểm, là một hình thức thanh toán trả góp cho các sản phẩm và dịch vụ với giá trị vừa và nhỏ.
Theo ông Huy, “mua trước trả sau” sẽ là lựa chọn hấp dẫn với một bộ phận dân số vì mang lại khả năng tiếp cận tín dụng cho những người không sở hữu thẻ tín dụng hay không có điều kiện vay ngân hàng. Chẳng hạn, những người tiêu dùng trẻ thuộc thế hệ Gen Z, trên 18 tuổi nhưng chưa đi làm và đang nhận tiền hỗ trợ từ gia đình hằng tháng, vẫn có thể tiếp cận dịch vụ mua trước trả sau này.
Khác với các dịch vụ vay tiền cầm cố thường có lãi suất quá cao và dịch vụ khách hàng chưa tốt, như chia sẻ của ông Huy, “mua trước trả sau” cũng có thể cung cấp các dịch vụ với chi phí rẻ hơn, nhanh hơn và tiện lợi hơn so với dùng thẻ tín dụng ở các tổ chức tài chính truyền thống hoặc các sản phẩm vay tiêu dùng ở các công ty tài chính khác.
Xung quanh vấn đề về “mua trả góp” hay “mua trước trả sau” để cải thiện sức mua, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý tâm lý của người tiêu dùng là thường muốn sở hữu sản phẩm nhưng 3/4 trong số họ lại quên đi mục đích là năng lực về chi trả, dẫn đến có những rủi ro cho DN bán hàng và thực tế đã xảy ra rồi.
Không những vậy, theo ông Dũng, có một số công ty cho vay tài chính tiêu dùng theo kiểu “mafia” cũng lợi dụng khai thác hình thức “mua trả góp”. Có những người mua trả góp với giá trị hàng hóa 100 triệu đồng nhưng tổng số tiền sau đó phải trả lên đến... 400 triệu đồng. Không hiếm gia đình đã điêu đứng, phá sản vì chuyện này.
“Cho nên, để làm mới hình thức “mua trả góp” hay “mua trước trả sau” trong giai đoạn này nhằm góp sức cải thiện sức mua thì cần phải có chính sách chặt chẽ, phù hợp hơn. Các nhà bán hàng phải tư vấn rõ ràng, mạnh dạn đồng hành cùng người mua để họ vừa yên tâm vừa bảo đảm chống đỡ các rủi ro cùng với DN”, ông Dũng chia sẻ.
Còn theo Ts. Phạm Nguyễn Anh Huy, hiện tại hành lang pháp lý về hình thức “mua trước trả sau” vẫn chưa rõ ràng. Nếu hình thức này phát triển rộng rãi mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ dễ dẫn đến tăng nợ xấu và ảnh hưởng nặng nề đến điểm tín dụng do người tiêu dùng có xu hướng tiêu xài quá khả năng trả nợ. Đồng thời, cũng có thể sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Chính vì vậy, để nắn chỉnh hình thức “mua trước trả sau” vừa tăng được sức mua, điều quan trọng là cơ quan quản lý và khâu chính sách cần đưa ra các quy định mới nhằm đảm bảo an toàn cho cả người mua và nhà bán hàng.
Bên cạnh đó, cũng nên có danh mục cấm (như kiểu “khủng bố” đòi nợ, tăng lãi suất vô giới hạn, hoạt động của các công ty đòi nợ thuê…) và có sự kiểm tra thường xuyên từ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.
Thế Vinh