Thông tin về tình hình tiêu thụ sản phẩm dầu ăn trên thị trường nội địa, ông Trần Chí Tâm, Giám đốc kinh doanh của CTCP Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco - một DN “gạo cội” nhiều năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao), cho biết sức mua hiện tại đang giảm 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn không của riêng ai
Dù dầu ăn là sản phẩm thiết yếu, cộng với mạng lưới 200 nhà phân phối ở 3 miền, nhưng theo ông Tâm, việc sụt giảm về sức mua sản phẩm của Nakydaco không nằm ngoài khó khăn chung của thị trường trong nước và thế giới.
Sức mua phục hồi chậm là tình trạng chung mà các DN sản xuất kinh doanh hàng thiết yếu hay không thiết yếu đang đối mặt. |
Còn về xuất khẩu (XK), đơn hàng của Nakydaco từ đầu năm đến nay không tăng nhưng cũng không giảm, với thị trường chủ lực là Campuchia, Lào, Nhật Bản. Doanh số XK vẫn chiếm tỷ trọng 30% tổng doanh thu.
Trao đổi với VnBusiness bên lề Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 tổ chức ở Tp.HCM mới đây, Giám đốc kinh doanh của Nakydaco cho rằng, với khó khăn chung hiện tại của thị trường, công ty đã và đang có những giải pháp về vốn, cải tiến chất lượng cũng như giá cả để cạnh tranh và có lợi thế trên thị trường trong nước và XK.
Không chỉ riêng Nakydaco sụt giảm về đầu ra, mà đây là tình trạng chung của các DN sản xuất kinh doanh hàng thiết yếu hay không thiết yếu. Nền kinh tế kém sức mua đã được lưu tâm nhiều trong thời gian qua khi tâm lý thắt chặt hầu bao của người tiêu dùng vẫn còn.
Một khảo sát hệ thống phân phối trên cả nước của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, đa số người bán hàng đánh giá sản phẩm của DN đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua (80%), có thương hiệu uy tín (60%), sản phẩm đa dạng chủng loại (47%) hay giá bán cạnh tranh (39%).
Đặc biệt, trên 50% đánh giá DN có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm vừa qua. Đây là tín hiệu đáng mừng, sự ghi nhận của các điểm bán lẻ là động lực để cộng đồng DN hàng Việt chất lượng cao nỗ lực hơn nữa trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường và mong đợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt hầu bao khi đối mặt nhiều khó khăn, dẫn đến sức mua phục hồi chậm, cũng là thách thức lớn cho DN hàng Việt chất lượng cao từ các mặt hàng thiết yếu cho đến không thiết yếu.
Để cải thiện sức mua, kích cầu tiêu dùng, giới chuyên gia nhấn mạnh ngoài các chương trình khuyến mãi, giảm giá thì vẫn cần phía DN tổ chức mạng lưới phân phối tốt hơn.
Điều này cũng thấy rõ từ cuộc khảo sát của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, khi nhóm DN mới đạt tỷ lệ bầu chọn lần đầu (mới nổi) là các DN có mạng lưới phân phối khá tốt, tập trung hơn vào nhóm DN thực phẩm, cung ứng các sản phẩm tiêu biểu trên thị trường (DN đạt OCOP 4 - 5 sao, hoặc DN đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong thực hành sản xuất).
Và ngành hàng có số DN đạt đủ tỷ lệ bình chọn cao nhất là ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền; kế đến là ngành nước chấm, gia vị; ngành đạt tỷ lệ bình chọn thấp nhất là ngành dụng cụ làm đẹp.
Giải “bài toán” cải thiện sức mua
Ở khía cạnh bán hàng của hàng Việt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các DN cần bán với tâm thế, tinh thần của mình. Bán với sự mạnh mẽ và tinh thần yêu nước của mình, để tạo ra một sản phẩm định danh là “Hàng Việt Nam”.
“Chúng ta phải tư duy, phải ý thức được là đang làm nên, đang bán ra một thương hiệu quốc gia, như thế có nghĩa chúng ta phải luôn cố gắng làm tốt hết sức có thể”, ông Hoan nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các DN “gạo cội" của hàng Việt Nam chất lượng cao cần phải tiên phong với kinh tế xanh. Nhất là khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có ý thức hơn, trong tầng lớp trung lưu và tầng lớp trẻ, nhất là thế hệ trẻ GenZ (sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 - 2012), chính là những người quyết định xu hướng tiêu dùng tương lai, là những đối tượng rất ủng hộ cho xu hướng xanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên tiếp tục có thêm nhiều chính sách gỡ khó và có phương án giảm các loại thuế để kích cầu nhằm giúp cho tình hình cung cầu trở nên cân đối và phát triển hơn. Bởi lẽ, diễn tiến thị trường thời gian tới sẽ còn khó lường khi mà hàng loạt công ăn việc làm bị mất, chi tiêu của người tiêu dùng dĩ nhiên phải thắt chặt. Tác động chéo và lan rộng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh doanh của các DN.
Thậm chí, khó khăn về tài chính còn làm cho người tiêu dùng đang nhắm đến dịch vụ “mua trước trả sau” với nhiều ưu điểm mà phía các DN cần phối hợp với nhau để tăng sức mua.
Tuy nhiên, hiện tại, hành lang pháp lý về “mua trước trả sau” vẫn chưa rõ ràng, nếu phát triển rộng rãi mà không có sự kiểm soát chặt chẽ dễ dẫn đến tăng nợ xấu và ảnh hưởng nặng nề đến điểm tín dụng do người tiêu dùng có xu hướng tiêu xài quá khả năng trả nợ.
Ngoài ra, theo nhận định của Ts. Daniel Borer (Đại học RMIT), mức tiêu thụ nội địa chưa chắc tăng đáng kể trong năm 2023 nên cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực lên giá cả. Điều kỳ vọng là lạm phát sẽ tiếp tục được duy trì dưới 5% trong năm nay, góp phần vào thành công trong việc bình ổn giá.
Giới chuyên gia cũng đánh giá việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát và đây là một phần trong nỗ lực liên tục của Chính phủ nhằm tháo gỡ những trở ngại cho cả DN và người dân để có thể cải thiện sức mua.
Thế Vinh