Đánh giá về CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Thành Công (TCSC) cho thấy, với chuỗi cửa hàng FPT Shop của FRT dù có lên kế hoạch mở mới trong năm 2023 là 30 - 50 cửa hàng, tuy nhiên thị trường ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) gặp nhiều khó khăn, nên FRT không đặt quá nhiều kỳ vọng vào mở mới cửa hàng trong năm nay.
Cân nhắc mở cửa hàng mới
Tuy nhiên, với lĩnh vực bán lẻ dược phẩm của chuỗi nhà thuốc Long Châu của FRT, phía TCSC cho rằng, vẫn trung thành với chiến lược mở nhà thuốc với quy mô lớn trên toàn quốc. Khi đạt đến độ phủ nhất định, chuỗi nhà thuốc này sẽ bắt đầu triển khai các cửa hàng với quy mô nhỏ hơn.
“Miếng bánh” thị phần bán lẻ sẽ thuộc về những DN biết thích ứng nhanh với xu hướng mới của người tiêu dùng, đáp ứng khá đủ nhu cầu của khách hàng. |
Trong “cuộc đua” mở rộng số lượng cửa hàng của các chuỗi bán lẻ dược phẩm, có thể thấy năm 2022 vừa rồi, Long Châu đã đạt hơn 1.000 cửa hàng và có kế hoạch mở 400 – 500 cửa hàng mới trong năm nay. Pharmacity có 1.148 cửa hàng trong năm 2022, tuy nhiên sau khi chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam này có tổng giám đốc mới hồi tháng 9/2022 đã thực hiện đóng bớt cửa hàng để tái cơ cấu.
Còn An Khang có 500 cửa hàng trong năm 2022, thế nhưng CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) quyết định tạm dừng mở mới cửa hàng trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Theo đánh giá của TCSC, chuỗi An Khang và Pharmacity hoạt động thiên về mô hình CVS – cửa hàng tiện lợi trong lĩnh vực dược phẩm, tức là tập trung nhiều hơn cho hàng tiêu dùng.
So với thị trường bán lẻ công nghệ và điện máy có dấu hiệu chững lại, thị trường bán lẻ dược phẩm dù một số nhà bán lẻ lớn cân nhắc có nên tiếp tục mở mới hay không thì vẫn sẽ tiếp tục có những cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp (DN) mới cũng đang bước chân vào lĩnh vực này.
Với quy mô 6 - 7 tỷ USD, thị trường bán lẻ dược phẩm ở Việt Nam được đánh giá là “mỏ vàng” để các chuỗi nhà thuốc theo mô hình hiện đại ra sức tranh giành thị phần. Và trong trường hợp một vài chuỗi tạm dừng mở mới cửa hàng có thể là cơ hội cho các chuỗi khác trong cuộc đua mở rộng số lượng để tăng thị phần.
Tuy tình hình kinh tế trong nước năm nay gặp khó khăn nhưng tiềm năng tăng trưởng chi tiêu cho dược phẩm được đánh giá vẫn còn rất khả quan, đặc biệt ở thị trường bán lẻ dược phẩm có tính phân mảnh cao như ở Việt Nam với hơn 50.000 nhà thuốc hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.
Ai thắng, ai “lép vế” ?
Chính sức hấp dẫn này nên ngoài FRT, một nhà bán lẻ công nghệ khác là CTCP Thế Giới Số (Digiworld) trong năm nay dự tính sẽ lấn sân mạnh mẽ sang lĩnh vực phân phối dược phẩm với mục tiêu trở thành DN bán lẻ dược phẩm top đầu tại Việt Nam.
Bên cạnh mảng bán lẻ dược phẩm nói riêng, cuộc đua tranh giành thị phần ở thị trường bán lẻ nói chung sẽ ngày càng khắc nghiệt và phần thắng có thể sẽ thuộc về những thương hiệu bán lẻ có hướng đi mới.
Điều này có thể thấy rõ như trường hợp CTCP Thương mại Dịch vụ Tổng hợp WinCommerce (đơn vị chủ quản hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+). Sau khi đã vươn tới quy mô hơn 3.000 điểm bán, chuỗi này đặt mục tiêu mở từ 800 - 1.200 cửa hàng trong năm nay.
Theo bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc WinCommerce, công ty sẽ phát triển các cửa hàng WinMart+ tại vùng ven và WIN tại các khu vực thành thị. Mô hình cửa hàng WinMart+ phục vụ tại khu vực nông thôn được thử nghiệm có mức doanh thu gia tăng từ 15 - 30%, cho thấy tiềm năng phục vụ 65% dân số sống ở khu vực nông thôn.
Trái ngược với việc mở rộng cửa hàng để tăng thị phần ở một nhà bán lẻ nội địa hàng đầu nêu trên, một thương hiệu bán lẻ ngoại gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2017 là 7-Eleven với mô hình cửa hàng tiện lợi đến nay chỉ có 80 cửa hàng nhượng quyền ở Tp.HCM và chưa có cửa hàng nào tại Hà Nội.
Điều đáng nói là chuỗi cửa hàng 7-Eleven từng có tham vọng muốn giành “miếng bánh” thị phần bán lẻ ở Việt Nam với khoảng 1.000 cửa hàng trong 10 năm. Tuy nhiên, chuỗi bán lẻ này đang gặp khó khăn về chi phí thuê mặt bằng, khó tìm địa điểm ưng ý khi muốn mở rộng cửa hàng.
Tuy vậy, cần nhìn nhận một thực tế là 7-Eleven đang “lép vế” khá rõ trước sự bùng nổ tốc độ mở mới của hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini như Winmart+, Circle K hay Ministop… Nếu nhìn vào mục tiêu mở rộng cửa hàng của WinCommerce sẽ thấy mức cạnh tranh gay gắt để giành thị phần trên thị trường bán lẻ như thế nào.
Cần lưu ý thêm, khảo sát người tiêu dùng năm 2023 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao mới công bố cho thấy vẫn có xu hướng chuyển dịch “cơ học” khách hàng từ chợ truyền thống hay các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại (gia tăng độ phủ) ở các đô thị. Kênh bán lẻ hiện đại đang cho thấy có hấp lực đối với người tiêu dùng mua sắm sản phẩm nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Bên cạnh đó, mua sắm đa kênh đang là xu hướng thịnh hành hiện tại cũng như trong tương lai. Người tiêu dùng hiện nay lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số: tham khảo thông tin sản phẩm qua các kênh trực tuyến nhưng lại muốn trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại các siêu thị hay cửa hàng.
Cho nên, trong cuộc đua tranh giành thị phần hiện nay, việc tìm hướng đi mới là rất quan trọng với các DN bán lẻ hiện đại. Phần thắng sẽ thuộc về những chuỗi bán lẻ biết thích ứng nhanh với xu hướng mới của người tiêu dùng, đáp ứng khá đủ nhu cầu của khách hàng, thậm chí còn có thể xây dựng hệ sinh thái khép kín cho chuỗi bán lẻ từ nhu yếu phẩm cho đến dược phẩm, F&B, điện máy…
Thế Vinh