Là một doanh nghiệp (DN) Việt có tên tuổi trong ngành nữ trang ở Tp.HCM nhưng CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại được Bộ phận phân tích công ty Chứng khoán VCBS xếp vào DN ngành bán lẻ khi đánh giá về xu hướng, triển vọng của ngành này trong năm 2019.
Công nghệ hóa điểm bán lẻ
Một điểm đáng chú ý là PNJ có sự đổi mới E–commerce (thương mại điện tử – TMĐT), tăng doanh thu online. Trước đây, mảng kinh doanh online vốn chưa được công ty thật sự chú trọng do trang sức là món hàng có giá trị cao nên khó để thuyết phục người tiêu dùng (NTD) sử dụng phương thức TMĐT.
Tuy nhiên, PNJ đã xây dựng một chiến lược Digital Marketing (tiếp thị số) nhằm tiếp cận khách hàng thông qua tâm lý và hành vi thay vì chỉ đơn thuần dựa trên các yếu tố cơ học. Đặc biệt là tương tác với khách hàng trên các phương tiện xã hội để thấu hiểu được thói quen mua sắm của khách hàng; đồng thời làm mờ biên giới giữa kinh doanh trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline), tạo điều kiện tối đa cho khách hàng mua sắm các sản phẩm họ yêu thích.
Trong vấn đề nắm bắt công nghệ, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ, cho biết đang ứng dụng những công nghệ mới về tương tác giúp cho khách hàng trải nghiệm mua hàng tốt hơn, có gắn kết giữa online và offline.
"Chúng tôi áp dụng công nghệ computervision kết hợp với trí tuệ nhân tạo, biến những chiếc camera an ninh trở thành những camera giúp chúng tôi đọc được hành vi khách hàng cũng như hành vi của nhân viên bán hàng. Từ đó giúp chúng tôi bố trí lại quầy kệ trong cửa hàng, tạo thuận lợi cho luồng di chuyển của khách, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nhân viên cũng như sắp xếp lại ca, kíp", ông Thông chia sẻ.
Theo đánh giá từ giới chuyên gia, việc áp dụng công nghệ và những xu hướng mới sẽ giúp các nhà bán lẻ Việt không hụt hơi trước áp lực cạnh tranh gay gắt, lấn chiếm thị phần từ các đối thủ ngoại. Thậm chí, ngay cả các cửa hàng bán lẻ truyền thống cũng phải nắm bắt công nghệ để cạnh tranh.
Kết khảo sát NTD năm 2019 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao mới công bố đã nhận định rằng các điểm bán lẻ được công nghệ hóa thu được hiệu quả hơn. Điểm đáng chú ý là nhiều chủ tiệm tạp hóa (trực tiếp và trực tuyến) bắt đầu hiểu vai trò của dữ liệu khách hàng, giá trị thương hiệu và khả năng kiểm soát giá trị DN.
"Mô hình "tiệm tạp hóa" tại Việt Nam đang thay đổi, dù nhỏ nhưng nhiều tiệm tạp hoá bắt đầu quan tâm việc tối ưu hóa kinh doanh: Không còn giữ nhiều vốn lưu động để tăng tồn kho, quan tâm đến dòng tiền ra – vào hiệu quả, cẩn thận hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp, chú ý chọn sản phẩm có tính thanh khoản… Họ tìm nguồn cung cấp rẻ, ổn định và các cơ hội mua bán trên mạng để tăng doanh số", kết quả khảo sát đưa ra đánh giá.
Muốn cạnh tranh đòi hỏi các DN bán lẻ Việt thay đổi cách tiếp cận |
Kết hợp siêu thị mini với tiệm tạp hóa
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết kênh trực tuyến dù đứng cuối bảng trong kết quả khảo sát (đứng sau các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi (bao gồm tạp phẩm của hộ gia đình), chợ truyền thống), nhưng vẫn cho thấy xu hướng mua sắm này ngày càng khởi sắc, nhất là hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện tử… hầu hết phục vụ nhu cầu NTD trẻ.
Trong sự tiến bộ của mô hình cửa hàng tạp hóa khi nắm bắt xu hướng công nghệ, giới phân tích nói về triển vọng tích cực của mô hình kết hợp giữa siêu thị mini với tiệm tạp hóa truyền thống cũng được xem là điểm khác biệt.
Điển hình như Saigon Co.op đã thực hiện chiến lược liên kết với các cửa hàng tạp hóa bằng việc nhượng quyền thương hiệu Co.op Smile cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ.
Động thái này nhằm tận dụng được điểm bán, lượng khách hàng sẵn có của các đại lý truyền thống. Mặt khác, sẽ hiện đại hóa việc quản lý và điều hành các cửa hàng này theo tiêu chuẩn của siêu thị mini nhằm khắc phục hạn chế của các cửa hàng truyền thống.
Như nhận xét của VCBS, mô hình siêu thị mini tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn; mô hình bán lẻ hiện đại theo siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi có sự bùng nổ. Thực tế cho thấy siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi là mô hình phát triển nhanh nhất. Số lượng các cửa hàng tiện lợi bắt đầu tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2015 – 2016 với tốc độ trung bình 78%/năm và chững lại trong năm 2017 (16,5%).
Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán lẻ (khoảng 0,4%, theo Euromonitor) nhưng đây là loại hình chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2012 – 2017 đạt 48%.
Sự tăng trưởng này đã thu hút các nhà đầu tư ngoại với các thương hiệu quốc tế như Family Mart, Circle K, Shop&Go và Bs Mart, GS25… Trong khi đó, các DN nội như Vingroup hay Thế giới Di động (MWG) cũng không muốn bỏ lỡ miếng bánh này với các chuỗi Vinmart + và Bách hóa xanh.
Tuy nhiên, mô hình này hiện đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn vì số lượng tham gia quá nhiều trong khi sức mua của NTD chưa thể tăng tương ứng và chịu sự cạnh tranh với mô hình siêu thị và tiệm tạp hóa truyền thống.
Thế Vinh