Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài thời gian gần đây cho thấy trong khi vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký tăng thêm có xu hướng giảm, hình thức đầu tư bằng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lại tăng nhanh chóng. Các nhà đầu tư rất ưa chuộng hình thức đầu tư thông qua mua bán và sáp nhập (M&A) này.
Đích ngắm của đại gia ngoại
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến 20/7/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 20,22 tỷ USD, bằng 88,1% cùng kỳ năm 2018.
Trong khi tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký tăng thêm chỉ bằng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2018; hình thức đầu tư bằng việc góp vốn, mua cổ phần có mức tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, có 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư, với tổng giá trị vốn góp 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ và chiếm 42,1% tổng vốn đăng ký.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5.384,9 triệu USD, chiếm 63,2% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 754,8 triệu USD, chiếm 8,9%; các ngành còn lại đạt 2.381,1 triệu USD, chiếm 27,9%.
Các thương vụ M&A đáng chú ý phải kể tới như tháng 3/2019, SK Group (Hàn Quốc) đã chi 1 tỷ USD mua 6,1% cổ phần của Tập đoàn Vingroup. Trước đó, tháng 9/2018, tập đoàn này đã bỏ ra 470 triệu USD để mua lại gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Masan. Mới đây, SK cũng bày tỏ mong muốn mua thêm cổ phần của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL). Năm ngoái, tập đoàn này đã mua 3,55 triệu cổ phần, tương đương 5% cổ phần, trở thành cổ đông lớn của PVOIL.
Trong cuộc đua rót vốn năm 2018 – 2019 của các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam không thể không kể tới Beerco Limited (Hồng Kông) chi 3,85 tỷ USD mua cổ phần của công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội (DN 100% vốn nước ngoài sở hữu trực tiếp hơn 53% vốn của Sabeco).
Hay quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore với hàng loạt thương vụ có quy mô hàng trăm triệu USD trong thời gian gần đây. Tháng 4/2018, GIC đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD (tương đương 29.500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes để thực hiện dự án.
Cuối năm 2018, GIC chi 101 triệu USD mua thêm 27,4 triệu cổ phiếu Masan. Giữa tháng 10/2018, quỹ này đã mua 24,5 triệu cổ phiếu MSN với giá trị 2.187 tỷ đồng (95 triệu USD)… GIC tham gia từ rất sớm và là nhà đầu tư lớn nhất trong các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietjet Air, Vinhomes, Techcombank…
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn của Singapore như Keppel Land, Capitaland, Mapletree cũng đã và đang thực hiện hàng loạt thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.
Cùng với Singapore, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng có sự tăng tốc mạnh mẽ. Nếu trước đây, nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm và thực hiện nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính, hàng tiêu dùng, từ năm 2018- 2019 đã chuyển “khẩu vị” sang bất động sản.
Theo ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần để đầu tư vào Việt Nam, qua đó ngay lập tức “tham chiến” trên thị trường, thay vì đầu tư xây nhà máy hay thiết lập cơ sở kinh doanh từ đầu. Con số của năm 2016 là 4,5 tỷ USD, năm 2017 là 6,3 tỷ USD, năm 2018 tăng lên 9,89 tỷ USD. Sự bùng nổ trong góp vốn, mua cổ phần đã góp phần quan trọng đưa dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá hình thức đầu tư nước ngoài thông qua M&A đang phát triển tích cực theo xu hướng của thế giới, giúp DN nước ngoài đưa vốn đầu tư vào Việt Nam nhanh hơn. Họ đưa vốn ban đầu để tạo lập hoặc củng cố DN, sau đó tiếp tục phát triển bằng việc đưa thiết bị, máy móc giúp DN đó lớn hơn. Việc thu hút đầu tư DN mới có thể ít đi nhưng lại có những DN được cải tiến, tăng năng lực và quy mô vốn lớn.
Lo ngại DN FDI thâu tóm DN nội thông qua M&A |
Doanh nghiệp Việt “bán mình” rẻ?
Tuy nhiên, hình thức đầu tư này cũng sẽ làm nảy sinh nhiều lo ngại nếu DN FDI đổ vốn vào Việt Nam không phải nhằm nâng cao sức sản xuất, kinh doanh mà để nhắm tới bất động sản của DN trong nước, để thâu tóm DN.
Trên thực tế, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư của Trung Quốc đã rót vốn thông qua hình thức M&A vào Việt Nam. Lượng vốn đầu tư mua bán cổ phần, mua lại các DN chiếm vai trò chủ đạo. Cục Đầu tư nước ngoài đã cảnh báo việc các nhà đầu tư từ Trung Quốc gia tăng các hoạt động M&A DN sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều DN Việt Nam bị thâu tóm, thôn tính thông qua hoạt động mua bán cổ phần.
Ông Robert Trần, Giám đốc điều hành tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, nhận định đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư vì họ bỏ tiền vào một DN có sẵn với thị trường 100 triệu dân. Đây là cơ hội tốt để quốc tế hóa DN và sản phẩm vì nhà đầu tư ngoại tham gia sẽ đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, việc lo ngại DN sẽ không còn của người Việt Nam là có cơ sở. Nếu không cẩn trọng sẽ dẫn đến nguy cơ nhà đầu tư biến Việt Nam thành nơi tiêu thụ hàng hóa tồn kho của công ty mẹ.
“Đây là vấn đề mà Chính phủ cần phải quan tâm, quản lý như thế nào để nhà đầu tư nghiêm túc tuân thủ pháp luật nước sở tại”, ông Robert Trần khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá sở dĩ thị trường đầu tư của Việt Nam thu hút các DN nước ngoài nhiều như thế là bởi DN Việt Nam đang “bán mình” quá rẻ.
Trong 5 năm qua, thị trường Việt Nam có giá trị giao dịch thấp nhất khu vực châu Á, chỉ chiếm 4,2%. Đây là một nghịch lý bởi Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất khu vực nhưng các công ty lại có giá thấp nhất khu vực. Nguyên nhân là nhiều người Việt Nam hiểu nhầm giá trị của thương hiệu, khiến các DN Việt Nam trở thành mục tiêu tranh giành của nhiều nhà đầu tư ngoại.
Vị chuyên gia này cũng cảnh báo nếu Việt Nam không giải quyết rốt ráo vấn đề này, trong 5 – 10 năm tới sẽ tiếp tục bán rẻ DN của mình. Hậu quả là không giữ được thương hiệu đã gây dựng trong nhiều năm qua.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Trước mắt, để có thể xử lý hiệu quả yêu cầu hạn chế, ngăn chặn dòng vốn FDI chất lượng thấp, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương phối hợp chặt chẽ với các địa phương bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan theo hướng quy định thêm các điều kiện chặt chẽ hơn đối với hoạt động đầu tư theo hướng góp vốn, mua cổ phần. Bổ sung thêm các quy định về điều kiện an ninh quốc phòng đối với một số địa bàn, lĩnh vực đầu tư FDI có điều kiện. Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương DN Việt Nam cần mạnh dạn suy nghĩ đến việc thâu tóm DN khác, kể cả DN nước ngoài, bởi đây là một trong những con đường hiệu quả để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Robert Trần - Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC Quan trọng nhất của quá trình góp vốn, mua cổ phần là DN sẽ phát triển thế nào. Thương vụ M&A được coi là thành công khi DN làm ăn, kinh doanh tốt. Vì thế, chủ DN cũng như nhà đầu tư nên nghiêm túc tìm hiểu đối tác để đảm bảo thành công hậu M&A. |