Mới đây, Tập đoàn Asahi của Nhật Bản đã "bắt tay" với hãng sữa thuần Việt là NutiFood để thành lập liên doanh Việt – Nhật Asahi NutiFood nhằm đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em chuẩn Nhật vào thị trường Việt Nam.
Lợi cả đôi bên
Khi được hỏi vì sao không thành lập một chi nhánh riêng, hay mở công ty trực tiếp tại Việt Nam mà lại chọn liên doanh, ông Shoyama Katsuo, Chủ tịch Asahi Groupfoods (thành viên của Asahi), cho biết việc thành lập liên doanh tại một thị trường mới sẽ có nhiều lợi thế hơn việc mở công ty trực tiếp.
"Khi bắt tay với một đối tác địa phương, lợi thế mà họ mang lại luôn là kiến thức về thị trường, kinh nghiệm vận hành của người bản xứ tại một thị trường cụ thể. Đối tác đã quen thuộc, am hiểu văn hóa và tập quán kinh doanh giúp đạt lợi thế cạnh tranh và cũng giúp chia sẻ rủi ro nếu có", ông Shoyama chia sẻ.
Còn ở góc độ một doanh nghiệp (DN) Việt tham gia hình thức liên doanh này, Chủ tịch HĐQT NutiFood Trần Thanh Hải cho rằng sự hợp tác với "đại gia" thực phẩm Nhật nằm trong chiến lược vươn ra thế giới của công ty, với tham vọng đưa sản phẩm và thương hiệu của Việt Nam sánh vai cùng với các tập đoàn nổi tiếng toàn cầu.
Có thể thấy đây là điển hình đầu tư liên doanh mới nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019, là sự chuyển biến trở lại xu hướng thành lập liên doanh góp vốn, mua cổ phần giữa khối ngoại với khối nội trong thời gian gần đây.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong năm 2018, cả nước có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với năm 2017.
Đơn cử, hồi giữa năm ngoái, công ty AAPICO Hitech (công ty hàng đầu về sản xuất phụ tùng ô tô tại Thái Lan) và công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast – thành viên Tập đoàn Vingroup (Việt Nam) đã ký kết biên bản ghi nhớ thành lập nhà máy liên doanh dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD, trong đó AAPICO nắm 51% vốn, VinFast nắm 49%.
Thời điểm đó, ông Yeap Swee Chuan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AAPICO Hitech, cho rằng liên doanh là bước đệm quan trọng cho sự hiện diện của công ty tại Việt Nam. Còn theo đại diện của Vingroup, đây sẽ là hướng đi quan trọng trong việc tạo lập một hệ sinh thái đầy đủ và đồng bộ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô thương hiệu Việt.
Theo giới chuyên gia, hoạt động đầu tư liên doanh của khối ngoại ở Việt Nam như hiện nay có thể sẽ mang lại những chuyển biến tích cực hơn so với trước đây, khi hình thức này từng trải qua những giai đoạn thăng trầm trong tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cụ thể, nếu như năm 2005, hình thức liên doanh chiếm đến 34% trong tỷ trọng vốn FDI, nhưng đến năm 2010 đã giảm còn 20,43%, năm 2015 chỉ chiếm rất nhỏ là 3,79%.
DN Việt còn gặp khó trong việc chuyển giao công nghệ từ DN FDI |
Chờ chuyển giao công nghệ
Việc sụt giảm hình thức liên doanh được cho là vì DN FDI tại Việt Nam thời gian qua có xu hướng hoạt động độc lập hơn mà không phải dựa vào các đối tác trong nước.
Thế nhưng, việc khuyến khích đầu tư 100% vốn nước ngoài mà bỏ qua hình thức liên doanh đã phản tác dụng, tạo tác động lấn át các DN trong nước, cũng như cản trở tác động lan tỏa của DN FDI về công nghệ, chuyển giao phương thức quản lý.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, với hình thức đầu tư 100% vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ trọng đến 70,48% vào năm 2015 trong vốn FDI) đã giúp cho khối ngoại giảm thiểu tối đa những rủi ro về rò rỉ công nghệ. Ngược lại, Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, học hỏi kỹ năng và bí kíp kinh doanh từ DN FDI.
Việt Nam cũng chưa tạo được mạng liên kết giữa DN trong và ngoài nước do khoảng cách công nghệ và trình độ lao động giữa hai bên cách xa nhau. Hơn nữa, đây còn là một hình thức khép kín, làm cản trở sự giao lưu, liên kết giữa DN trong và ngoài nước.
Đồng thời, việc này cũng tạo ra rào cản cho quá trình chuyển giao công nghệ dù cho Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến các chính sách tạo mối liên kết giữa DN trong nước với DN FDI (thông qua các chương trình liên kết, quy định về tỷ lệ nội địa hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách luân chuyển lao động…).
Trong khi đó, hình thức đầu tư liên doanh có thể mang lại những lợi ích nhất định cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, là sự chia sẻ rủi ro giữa các đối tác.
Các nhà đầu tư Việt Nam, khi tham gia mô hình liên doanh để cùng hợp tác với những tập đoàn lớn nước ngoài có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài việc phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp, nhà đầu tư trong nước còn có nhiều cơ hội tốt hơn để tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại, phong cách và trình độ quản lý kinh tế tiên tiến từ khối ngoại.
Còn lợi ích mà nhà đầu tư ngoại được hưởng là có thể sản xuất và cung cấp sản phẩm tại thị trường Việt Nam nhanh hơn nhờ đối tác nội địa có kinh nghiệm và sự am hiểu sâu sắc về thị trường trong nước.
Tuy vậy, giới chuyên gia cũng lưu ý là khi liên doanh với đối tác ngoại, DN Việt phải tránh thua thiệt, tự đưa mình vào thế khó hoặc bị thôn tính.
Thế Vinh