Tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam diễn ra ngày 4/10, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này.
Việt Nam phải có chính sách để làm sao khắc phục được những tồn tại hạn chế về thu hút FDI thời gian qua |
Đánh giá chặng đường 30 năm thu hút ĐTNN, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong giai đoạn đầu, ĐTNN đóng vai trò như một cú hích, tạo sự đột phá vừa bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, vừa khởi dậy các nguồn lực trong nước, để khai thác, tận dụng các tiềm năng, lợi thế, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng.
30 năm qua, khu vực ĐTNN đã ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế. Lũy kế tính đến ngày 20/9/2018, cả nước có 26.646 dự án ĐTNN còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 185,62 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Đóng góp của ĐTNN vào tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, nếu giai đoạn 1986-1996, khu vực ĐTNN chỉ đóng góp 15,04% thì đến giai đoạn 2010-2017 đã đóng góp đến 27,7%. Khu vực ĐTNN cũng đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994-2000) lên 14,2 tỷ USD.
ĐTNN còn đóng góp quan trọng cho thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận, dù Việt Nam đã trở thành một điểm sáng trong khu vực về thu hút ĐTNN và những thành tựu trong 30 năm thu hút ĐTNN đã được khẳng định, tuy nhiên, hạn chế, tồn tại vẫn còn. Chẳng hạn, còn có hiện tượng doanh nghiệp (DN) chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường; tác động lan tỏa và liên kết giữa khu vực ĐTNN và khu vực trong nước chưa được như kỳ vọng...
Tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN, nhìn về phía trước, Việt Nam phải có chính sách để làm sao khắc phục được những tồn tại hạn chế này. Hơn nữa, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút ĐTNN.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn: "Đối với các nhà ĐTNN, chúng tôi mong muốn các bạn đến với Việt Nam trong tâm thế của những nhà đầu tư có thiện chí, có trách nhiệm, với những cam kết và hành động cụ thể, thực chất để đầu tư kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cộng đồng".
Lê Thúy