Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết lượng hàng dự trữ phục vụ cho bình ổn thị trường Tết Kỷ Hợi 2019 ở Tp.HCM hay Hà Nội (chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng và nông sản thực phẩm) hiện đã lên đến 20.000 tỷ đồng ở mỗi thành phố.
Bán cái người tiêu dùng cần
Tại Tp.HCM, có những nhóm hàng chuẩn bị Tết năm nay với sản lượng lớn, chi phối 32% – 58% nhu cầu thị trường, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm tươi sống như thịt và trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc hay dầu ăn, gạo…
Nhằm bình ổn thị trường Tết Nguyên đán, Tp.HCM đang triển khai theo tín hiệu thị trường, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng từ thị trường để khuyến khích doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất cho phù hợp, để "bán cái mà người tiêu dùng cần chứ không phải bán những gì mà mình có sẵn trong kho".
Quan sát tại một số siêu thị mini ở Tp.HCM trong những ngày gần đây sẽ thấy có nhiều điểm mới từ phân khúc bình dân giá rẻ cho đến phân khúc cao cấp với giá từ 100.000 đồng cho đến hơn 1 triệu đồng ở các giỏ quà Tết (được dự báo có sức mua tăng 20% so với mùa Tết năm trước).
Bên trong các giỏ quà Tết này, từ những mặt hàng quen thuộc lâu nay như nước ngọt, bánh, cà phê, trái cây sấy, trà…, có những siêu thị còn đưa vào các đặc sản vùng miền, sản phẩm organic (như siêu thị Big C) hoặc đưa thêm cơm cháy, hạt nêm, bánh chưng, snack rong biển, các loại thực phẩm công nghệ… (như Vinmart).
Có thể thấy việc nắm bắt thị hiếu, nhu cầu, xu hướng của người tiêu dùng trong nước là điều mà các nhà sản xuất hay nhà bán lẻ không thể bỏ qua và thị trường Tết năm nay đã thể hiện rõ điều đó theo đúng quy luật cung cầu.
Đánh giá tầm quan trọng trong vấn đề cung cầu ở thị trường nội địa hiện nay, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Đây là trụ cột quan trọng để cùng nhau thiết lập ra chuỗi cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng nhằm đưa vào hệ thống phân phối.
Theo bà Nga, bên cạnh hơn 1.000 siêu thị còn có hơn 5.000 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini trong cả nước. Đây chính là đầu ra cho các hàng hóa có chất lượng, đặt biệt là hàng nông sản thực phẩm chất lượng cao của các DN nội.
"Hy vọng các DN Việt sẽ tham gia vào chuỗi phân phối này nhiều hơn nữa. Trách nhiệm của Bộ Công Thương là nhân nhanh những đầu ra này của các hàng hóa nông sản thực phẩm an toàn", bà Nga nói.
Mỗi năm, các hộ gia đình Việt chi 27 tỷ USD cho thực phẩm tươi sống |
Sức hút của thực phẩm tươi
Phân tích thị trường tiêu dùng Việt Nam ở thành thị và khu vực nông thôn, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại của công ty nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Kantar Worldpanel Việt Nam, cho biết hiện nay, một hộ gia đình (4 – 5 người) ở khu vực thành thị như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ có mức thu nhập trung bình khoảng 18 triệu đồng/ tháng; hộ gia đình (3 – 4 người) ở nông thôn có thu nhập khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng.
"Như vậy, chênh lệch về thu nhập hiện thời ở khu vực nông thôn khoảng 40% so với thu nhập trung bình ở một hộ gia đình thành thị.
Nếu đi sâu phân tích sẽ thấy phần chi lớn nhất (chiếm gần 30%) hàng tháng cho hộ gia đình ở thành thị lẫn nông thôn là dành cho hàng thực phẩm tươi sống, cộng với hàng tiêu dùng nhanh (như thực phẩm đóng gói, dầu gội đầu, xà phòng, nước rửa chén…)", ông Hoàng thông tin.
Cũng theo ông Hoàng, trung bình mỗi tuần, một hộ gia đình ở thành thị chi khoảng 1,1 triệu đồng cho thực phẩm tươi sống, nhân cho 52 tuần trong một năm sẽ là hơn 50 triệu đồng.
Nếu so với giá trị chi tiêu dành cho thực phẩm tươi sống của tất cả các hộ gia đình Việt, hàng tiêu dùng nhanh của các "đại gia" như Nestlé, Unilever, Vinamilk, Duth Lady… cộng lại chỉ bằng 1/3.
Ước tính giá trị thị trường cho thực phẩm tươi sống ở cấp độ hộ gia đình khu vực thành thị lên tới khoảng 13 – 14 tỷ USD, thị trường nông thôn khoảng 13 tỷ USD. Tổng cộng chi tiêu dành cho thực phẩm tươi sống ở cấp độ vi mô là hộ gia đình đã lên đến hơn 27 tỷ USD/năm.
Rõ ràng, đó là những con số "khủng" về thị trường tiêu thụ trong nước, dù mới chỉ tính riêng với mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoàn toàn hấp dẫn đối với các DN Việt trong ngành hàng thực phẩm (kể cả với những DN lâu nay vốn chỉ hướng đến xuất khẩu).
Vì thế, vấn đề đặt ra là nên chăng ngay trong từng DN nội địa cần có một bộ phận nghiên cứu kỹ về thị trường trong nước nhằm làm ra những sản phẩm mà thị trường cần.
Đồng thời, từ những con số thực tiễn của công ty nghiên cứu thị trường, các DN Việt và các cơ quan quản lý nhà nước cần có cái nhìn bài bản hơn về độ hấp dẫn của thị trường nội địa, để thấy còn rất nhiều điều phải làm trên "sân nhà".
Thế Vinh