Theo Bộ Công Thương, Thái Lan là đối tác quan trọng và là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan rất thấp, chỉ chiếm 2,2%, trong khi Thái Lan coi Việt Nam là thị trường quan trọng do có nhiều lợi thế về địa lý, thuế quan và tương đồng về văn hóa.
Tiềm năng còn rất lớn
Thời gian qua, nhiều tập đoàn bán lẻ Thái Lan đã đầu tư vào Việt Nam bằng con đường mua bán và sáp nhập, phải kể tới như Central Group mua lại siêu thị Big C và siêu thị điện máy Nguyễn Kim; Tập đoàn TCC mua lại chuỗi siêu thị Metro, đổi tên thành MM Mega Market…
Có thể thấy, Việt Nam là thị trường nối dài của Thái Lan trong khu vực ASEAN. Một số tập đoàn Thái Lan còn mua lại doanh nghiệp (DN) sản xuất của Việt Nam để tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, thị trường Việt Nam cũng là điểm trung chuyển cho hàng Thái Lan, khi hơn 90% trái cây nước này xuất qua Việt Nam để sang Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng được đánh giá là có nhiều lợi thế xuất hàng qua Thái Lan. Theo bà Phạm Thị Ngọc Minh, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại Thái Lan, hàng Việt có nhiều thuận lợi, như ưu đãi thuế quan trong khu vực ASEAN, vị trí địa lý hành lang Đông Tây di chuyển hàng hóa qua đường biển, cảng Bangkok, hoặc vận dụng tuyến vận tải từ miền Trung – cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) sang vùng Savannakhet của Lào sang biên giới Thái Lan là có thể vào miền Trung Thái Lan…
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội như cách mà các DN Thái đã làm. Cụ thể, Việt Nam có nhiều mặt hàng tiềm năng có thể XK sang Thái Lan nhưng thị phần còn thấp như săm lốp chỉ chiếm 5%, thủy sản chiếm 7%.
Đối với mặt hàng hoa quả, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều từ Thái Lan nhưng chủ yếu xuất khẩu tiếp sang Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, thị phần hoa quả của Việt Nam tại Thái Lan chỉ chiếm 10%.
Đối với cà phê, thị phần thô của Việt Nam chiếm tới 86% nhưng cà phê hòa tan chỉ là 10%. Cà phê hòa tan Việt Nam chỉ có thương hiệu G7 xuất hiện trong các siêu thị của Thái Lan.
Với mặt hàng sữa, dung lượng sữa ở Thái Lan khoảng 3 tỷ USD nhưng Việt Nam hầu như chưa xuất khẩu được sang thị trường này. Vinamilk đã đăng ký xuất khẩu thử nghiệm nhưng năm nay vẫn chưa thực hiện được.
Hờ hững hay không thể?
Phân tích lý do, ông Nguyễn Đương Kiên, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết theo phản ánh của cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan, các DN Việt Nam sang Thái Lan hầu như chỉ vì mục đích du lịch chứ chưa đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thái Lan là thị trường quan trọng nhất trong ASEAN. Tuy nhiên, nhiều DN Việt có tâm lý e dè khi xuất khẩu sang Thái Lan vì cho rằng sản phẩm của mình không đủ cạnh tranh về giá thành, chất lượng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA), chia sẻ DN Việt Nam có phần tự ti và hơi ngần ngại khi sang xúc tiến tại thị trường Thái Lan.
"Nhiều người hỏi tôi rằng hết đường đi rồi hay sao mà lại qua Thái, nên không phải dễ mời DN sang đây. Mời tới mời lui, DN ghi tên rất đông nhưng sau khi cân nhắc thì nhiều người bỏ cuộc", bà Hạnh cho biết.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao Tập đoàn Central Group Thái Lan, cho rằng nhiều DN Việt Nam từ trước đến nay thường cho rằng hàng Thái và hàng Việt có nét tương đồng về chủng loại nên tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, nếu DN Việt biết nhìn ra lợi thế, sự khác biệt sản phẩm thì cơ hội vẫn rất lớn.
Cùng quan điểm, ông Kiên cho biết nhiều sản phẩm của Việt Nam có lợi thế về chất lượng, mẫu mã, giá cả so với hàng Thái, nên không có lý do gì DN ngần ngại. Nếu DN lo không có kênh phân phối, tại sao không tiếp cận các kênh phân phối của bà con Việt kiều ở Thái Lan?
Về phần mình, Bộ Công Thương cho biết đang thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận thị trường Thái Lan, nhằm hướng tới kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong năm 2020, hướng tới cân bằng thương mại giữa hai nước.
Trong quá trình tiếp cận thị trường Thái Lan, nếu gặp phải các khó khăn về hàng rào phi thuế quan, các DN có thể phản ánh tới Cục Phòng vệ thương mại để được hỗ trợ.
Thy Lê