Là doanh nghiệp (DN) có 100% vốn nước ngoài, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) vào thượng tuần tháng 5/2023 vừa qua đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhà máy giết mổ hiện đại nhất tại tỉnh Bình Phước. Trong đó, riêng nhà máy giết mổ gia cầm có diện tích gần 15 ha, đạt công suất 60.000 con/ngày, vốn đầu tư 400 tỷ đồng.
Thua lỗ vì chăn nuôi gia công
Có mặt tại buổi khánh thành này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Japfa đối với ngành chăn nuôi Việt Nam.
Các nông hộ chăn nuôi nhỏ trước mối lo hết đường sống trước tình cảnh sản phẩm thịt được bán phá giá, cạnh tranh không lành từ những tập đoàn lớn. |
Ông Tiến cho rằng với tiềm lực, kinh nghiệm của Japfa Việt Nam, dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và giết mổ gia cầm tại Bình Phước khi đi vào hoạt động sẽ có những đóng góp tích cực trong quá trình đưa ngành chăn nuôi Việt Nam hội nhập và phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững.
Japfa được xem là một trong những nhà đầu tư thành công của Indonesia tại Việt Nam. Tính từ năm 1996 đến nay, công ty này đã có 4 nhà máy ấp, 8 nhà máy thức ăn chăn nuôi, hơn 1.600 trang trại gia súc, gia cầm ở Việt Nam.
Cần nhắc thêm, hồi tháng 12/2022, Japfa đưa vào hoạt động Nhà máy ấp trứng gia cầm tại tỉnh Đắk Lắk có công suất thiết kế lên đến 40 triệu gà con mỗi năm. Trước đó, công ty này đã vận hành 3 nhà máy ấp trứng gia cầm tại Thái Bình, Bình Dương và Đồng Nai.
Đến thời điểm trên, Japfa sở hữu gần 30 trang trại gà giống chất lượng cao và hợp tác với hơn 1.000 hộ chăn nuôi gà trên toàn quốc, cung ứng cho thị trường hơn 100 triệu gà con mỗi năm.
Tuy vậy, thời gian qua vẫn có không ít điều tiếng về DN này trong mối liên kết với các hộ chăn nuôi. Như hồi tháng 4/2022, những nông hộ chăn nuôi gà tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) bức xúc phản ánh bị thua lỗ triền miên do hợp tác chăn nuôi gia công gà màu với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam.
Tình trạng này trước đó còn ở các địa phương khác như: Đăk Lăk, Quảng Ngãi, Bình Thuận…gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống người chăn nuôi. Như ở Đăk Lăk, hàng chục hộ dân liên kết nuôi gà với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì thua lỗ triền miên.
Một hộ chăn nuôi ở xã Hòa Thắng, Tp.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) từng phản ảnh vào cuối năm 2019 bắt đầu liên kết với Công ty Japfa xây dựng một trại gà với quy mô hơn 15.000 con.
Sau một lứa nuôi thấy có lời, hộ chăn nuôi này tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một trang trại nữa. Lúc mới liên kết, phía Công ty Japfa cho biết chỉ cần nuôi 3 năm là thu hồi vốn.
Do đó, hộ chăn nuôi nêu trên quyết vay mượn, thuê đất để đầu tư trang trại. Thế nhưng chỉ sau 2 lứa đầu tiên có lời, những lứa tiếp theo liên tiếp lỗ. Theo tính toán nếu nhập gà vào nuôi thì hộ này lỗ mỗi lứa hơn 200 triệu đồng, cộng với tiền thuê đất. Trong khi đó, có những hộ chăn nuôi khác thậm chí có người bán nhà, nợ hàng tỷ đồng.
Giành giật “miếng bánh” thị phần của nông hộ
Quan sát tình hình đầu tư của các DN FDI vào ngành chăn nuôi trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng nhiều cơ sở, DN chăn nuôi trong nước đang phải nuôi gia công cho DN FDI (nhận con giống, thức ăn chăn nuôi của DN FDI về trang trại để nuôi thuê).
Trong đó, giống gà công nghiệp lông trắng chủ yếu do các DN FDI sản xuất và cung ứng. Còn với giống gà lông màu thì khoảng 30% do các DN FDI cung ứng.
Tuy nhiên, rủi ro cho các hộ chăn nuôi tập trung nuôi gia công cho DN FDI là tình trạng gà giống kém chất lượng, việc thanh toán tiền công nuôi gà cho hộ nuôi cũng không rõ ràng và chậm so với thỏa thuận. Chưa kể, chính sách liên kết của DN FDI thường xuyên thay đổi thì rủi ro cho các hộ chăn nuôi càng cao.
Như lưu ý của ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), trong 2 năm qua do khô cạn nguồn vốn mà giá thị trường xuống sâu, đã “đánh gục” các cơ sở chăn nuôi trong nước. Cho nên nhiều cơ sở, DN chăn nuôi trong nước đang phải nuôi gia công cho DN FDI. Thế nhưng rủi ro là khi người chăn nuôi của chúng ta tập trung nuôi gia công cho DN FDI thì việc quyết định giá bán lại nằm trong tay các DN nước ngoài.
Ngoài ra, trong văn bản gửi gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan vào giữa tháng 5/2023, phía VIPA cho rằng hiện nay, các DN FDI đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.
Vì vậy, để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, duy trì công ăn việc làm cho người nông dân, phía VIPA rất mong Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung một số chính sách đặc thù hỗ trợ các DN và người chăn nuôi trong nước đủ điều kiện để cạnh tranh với các DN FDI.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, các DN FDI đã và đang có những dự án đầu tư với lượng vốn rất lớn tại Việt Nam, tập trung cho hoạt động sản xuất thịt heo, thịt gà. Điều đáng nói, bên cạnh một số DN FDI đã có nhiều năm đồng hành với người nông dân Việt Nam thì rất đáng tiếc lại có một số DN FDI đang giành giật “miếng bánh” thị phần của người nông dân trong nước.
Số liệu hồi năm 2022 cho thấy, Việt Nam thu hút 2,2 tỷ USD đầu tư FDI vào ngành chăn nuôi với 81 dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thức ăn, chăn nuôi heo, gà, bò, giết mổ, chế biến và xử lý môi trường…
Có thể thấy số dự án, số vốn của các DN FDI đổ vào ngành chăn nuôi ở Việt Nam càng tăng thì mối lo các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị loại dần khỏi cuộc chơi cũng tăng theo. Chẳng hạn như việc liên kết “giả” của DN FDI làm cho các hộ chăn nuôi thua lỗ, ôm nợ rồi cuối cùng là "treo chuồng".
Đó là chưa tính đến chuyện nhiều dự án đầu tư chăn nuôi quy mô lớn của DN FDI được cấp phép đầu tư mà không gắn liền với phương án xuất khẩu, chỉ nhắm đến tiêu thụ trong nước, bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh…càng làm cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hết đường sống.
Thế Vinh