Số liệu thống kê mới nhất cho thấy giá trị xuất khẩu (XK) các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 5/2022 vừa qua ước đạt 32,4 triệu USD. Như vậy, tính chung trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 139 triệu USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Vì sao “đội sổ”?
Trong đó, XK thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật trong 5 tháng qua chỉ đạt 36 triệu USD, giảm đến 18,8% so cùng kỳ năm ngoái.
Xét về thị trường XK thịt và các sản phẩm thịt thì Hong Kong (Trung Quốc) đang chiếm 53,6% tổng kim ngạch, chủ yếu là thịt lợn nguyên con đông lạnh, thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con. Tuy nhiên, riêng 4 tháng đầu năm nay, XK sản phẩm thịt vào thị trường này chỉ đạt 9,74 triệu USD, giảm đến 62% về lượng và giảm 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Một khi chưa giải quyết được những thách thức nội tại thì việc sụt giảm kim ngạch XK sản phẩm thịt là khó tránh khỏi. |
Rõ ràng, việc sụt giảm kim ngạch XK sản phẩm chăn nuôi nói chung và sản phẩm thịt nói riêng đang cho thấy ngành hàng này vẫn đang “đội sổ” dù cho ngành chăn nuôi trong nước khá hoành tráng.
Có thể thấy tổng giá trị XK các sản phẩm chăn nuôi từ đầu năm đến nay chưa tương xứng với quy mô hoạt động. Điều này làm không ít người bi quan cho rằng sẽ còn rất xa vời với giấc mơ đưa Việt Nam trở thành “cường quốc” XK sản phẩm thịt.
Xét về khó khăn trong XK thịt lợn, những đánh giá cho thấy trong 5 năm trở lại đây việc XK sang Trung Quốc gần như “đóng băng”, khiến đầu ra của doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Còn theo dự báo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), xuất nhập khẩu thịt lợn toàn cầu sẽ giảm 4% trong năm 2022 do nguồn cung ở Trung Quốc và Philippines dự kiến sẽ tăng.
Theo giới chuyên gia, để Việt Nam không thụt lùi trong XK sản phẩm thịt thì đòi hỏi vấn đề cần phải giải quyết lâu nay chính là các địa phương nên đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Hơn thế nữa, các DN phải xây dựng được một thương hiệu đủ lớn và phải chủ động trọn gói các khâu từ con giống, chăn nuôi, chế biến…
Cũng theo số liệu thống kê, ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến cuối tháng 5/2022 tăng 5,7% so với năm 2021, đàn gia cầm tăng khoảng 1,9% so với cùng thời điểm năm trước. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong tháng 5/2022, đàn lợn và gia cầm cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh lớn không xảy ra nhưng tình hình chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tiếp tục tăng.
Có thể thấy giá TĂCN vẫn ở mức cao là một trở ngại lớn đối với việc XK sản phẩm thịt, làm cho lĩnh vực này trở nên kém cạnh tranh trên thị trường XK. Trong 5 tháng đầu năm này, các công ty sản xuất TĂCN đã có nhiều đợt điều chỉnh tăng giá. Giá TĂCN tăng khiến chi phí sản xuất cũng tăng cao, điều này đặc biệt gây áp lực cho các nhà XK sản phẩm thịt.
Đừng để mãi trớ trêu
Thật trớ trêu khi giá trị XK sản phẩm thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật trong 5 tháng qua chỉ vỏn vẹn 36 triệu USD, trong khi ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt tới gần 2 tỷ USD.
Và với tình hình XK sản phẩm thịt “đội sổ” như vậy, để cải thiện tình hình thì ngành hàng này phải tiếp tục có những thay đổi. Nhất là cần tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường XK, xây dựng hiệu chuỗi liên kết XK (trong đó chú trọng xây dựng cơ sở và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh)...
Và đặc biệt là cần tránh những bất hợp lý khi XK sản phẩm thịt. Điều này có bắt gặp ở XK gà đang được ví von như “lúc ta có thì thị trường không cần, lúc thị trường cần thì ta lại không có”.
Chẳng hạn như thông tin mới đây thị trường Malaysia đang thiếu hụt thịt gà, nên giá tăng từ 20% - 40%, còn tại Singapore thịt gà cũng khan hiếm. Nhiều ý kiến cho rằng DN Việt Nam nên tranh thủ xuất mặt hàng thịt gà sang hai thị trường này.
Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc XK gà trong lúc này lại rất khó, sẽ hơi bị chậm trễ so với thị trường khan hiếm gà như hiện tại.
Theo ông Đoán, rất khó để thực hiện được mong muốn XK gà trong tình hình hiện nay khi quy trình rất mất thời gian, chẳng hạn như: nhà máy giết mổ đạt chuẩn quốc tế, cấp đông theo tiêu chuẩn XK, khâu vệ sinh an toàn thực phẩm…
Riêng về XK thịt gà chế biến vẫn đòi hỏi cần thời gian, đáp ứng nhiều yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn, điều kiện của nước nhập khẩu.
Đơn cử như để XK thịt gà chế biến vào thị trường khó tính như Nhật Bản thì Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gà theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra còn hàng loạt tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật khác mà các DN trong nước phải đáp ứng được mới có thể XK.
Từ đó để thấy khi chưa giải quyết được những thách thức nội tại thì việc sụt giảm kim ngạch XK sản phẩm thịt là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, điểm hạn chế của các DN muốn XK sản phẩm thịt là họ vẫn chưa có nhiều thông tin về thị trường và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, cũng như thông tin về điều kiện để XK.
Để thúc đẩy XK sản phẩm thịt trong thời gian tới, giới chuyên gia nhấn mạnh chỉ có cách là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường để thay đổi tư duy trong ngành chăn nuôi. Nếu không thay đổi được tư duy thì sản phẩm thịt của Việt Nam sẽ khó có thể đáp ứng được những yêu cầu tiêu chuẩn của người mua hàng khu vực, châu lục và thế giới.
Thế Vinh