Thuộc khối tư nhân từ Tp.HCM ra tỉnh Sơn La đầu tư vào ngành nông nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group cho biết, cà phê ở tỉnh này rất ngon.
Chế biến sâu và khác biệt
Và không chỉ bán cà phê, Phúc Sinh Group còn nhắm đến chế biến vỏ cà phê (thường bị vứt đi sau thu hoạch) trở thành trà cascara (loại trà được làm từ vỏ cà phê chín sấy khô, sử dụng để pha uống như một loại trà hoa quả) và bán ra thị trường với giá 16 USD/kg.
Để vượt qua ranh giới “giải cứu” nông sản đang đòi hỏi cần phát triển mạnh hơn nữa một loạt hệ thống các nhà máy chế biến, sơ chế nông sản. |
Trong khi đó, nhân cà phê chỉ bán với mức giá 2 USD/kg. Không chỉ vậy, từ vỏ cà phê, doanh nghiệp (DN) này còn ủ làm phân vi sinh để bán.
Sau quá trình đầu tư nông nghiệp tại địa phương, ông Thông cho biết, công ty đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm cà phê rang xay vừa tiêu thụ ở thị trường nội địa vừa xuất khẩu (XK) sang nhiều quốc gia.
Ngoài ra, vị chủ DN này còn chia sẻ về việc đầu tư chế biến dòng sản phẩm hạt tiêu sấy lạnh duy nhất tại Việt Nam. Trong khi hạt tiêu đen chỉ bán 2 - 3 USD/kg, tiêu trắng bán 6 - 7 USD/kg, thì hạt tiêu sấy lạnh lại bán đến 18 USD/kg và năm nay đã tăng giá lên 21 USD/kg.
Từ một vài dẫn chứng trong việc nâng giá trị cho cà phê hay hạt tiêu như trên, ông Thông muốn nhấn mạnh điều quan trọng nằm ở tư duy chế biến sâu và khác biệt của phía DN thuộc khu vực tư nhân đã thực sự mang lại lợi ích so với kiểu đầu tư nông nghiệp theo phong trào.
“Như với tỉnh Sơn La xa xôi, nếu không tính được lợi ích sẽ không bao giờ chúng tôi đầu tư và không đầu tư theo phong trào. Phải làm thực tế, bởi vì đấy là tiền túi của mình, nên phải hết sức cân nhắc và thực sự mang lại lợi ích lớn cho vùng miền đấy”, ông Thông nói.
Chính nhờ điều này mà một vùng cà phê tuyệt vời như Sơn La, với sự tác động của DN, đã có thể mang lại những giá trị lớn. Không chỉ vậy, còn giúp kích hoạt cho cả chuỗi giá trị nông sản về sau. Và người dân địa phương giờ đây đã bán cà phê Sơn La với mức giá cao, trong khi trước đây phải trộn với cà phê của Lâm Đồng.
“Bây giờ cà phê Sơn La có mức giá cao hơn trước rất nhiều, thậm chí là cạnh tranh với giá cao hơn cả cà phê Đà Lạt, bởi vì có nhiều nguồn hơn”, ông chủ của Phúc Sinh Group chia sẻ.
Nêu ra những câu chuyện nâng giá trị nông sản như vậy tại buổi toạ đàm trực tuyến ngày 26/10 giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với các DN nông sản thực phẩm, ông Phan Minh Thông muốn nhấn mạnh đó là lý do tại sao DN của mình có thể vượt qua đợt đại dịch Covid-19 lần này và hiện tại vẫn có lãi. 9 tháng đầu năm nay, mức lợi nhuận của Phúc Sinh Group còn cao hơn cả năm ngoái. Nguyên nhân là bởi, DN không nhìn hạt cà phê, hạt tiêu hay nhìn một sự kiện đơn giản là như vậy, mà làm những gì người khác không làm.
Càng khó càng phải sáng tạo
Và đó cũng là cách thức phù hợp để ngành hàng nông sản Việt vượt qua ranh giới “giải cứu”, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cần nhìn nhận thực tế, khi DN đầu tư vào nông nghiệp thì khó khăn là khó tránh khỏi. Nhưng trong cái khó đó lại làm cho DN phải sáng tạo hơn, tìm cách vượt qua ranh giới đó.
Tất nhiên là cũng có không ít DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm phải bỏ cuộc. Nhưng với các DN còn lại, nếu luôn tìm cách phát triển thì con đường phía trước sẽ thênh thang.
Qua trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, một số DN hàng đầu trong ngành hàng nông sản thực phẩm có nêu 3 vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất là làm sao để XK nông sản bền vững. Thứ hai là thị trường nội địa. Thứ ba là làm thế nào để tập hợp các công ty có tiềm lực, công ty lớn chịu đầu tư vào nông nghiệp.
Với thị trường nội địa, dù Việt Nam là thị trường rất lớn nhưng kênh phân phối của các DN nông sản thực phẩm Việt vẫn còn nhỏ lẻ và manh mún. Không những vậy, đội ngũ sản xuất cho hàng tiêu dùng vẫn cực kỳ nhỏ bé.
Làm thế nào để phân phối các sản phẩm nông nghiệp đến tay người tiêu dùng trong nước đang đòi hỏi cần tập trung nhiều hơn bằng cách xây dựng một loạt hệ thống các nhà máy chế biến phục vụ cho thị trường “sân nhà”. Vấn đề đặt ra là cần gây dựng họ đi lên thì ngành nông sản mới phát triển bền vững.
Hoặc với XK nông sản, để ổn định vẫn rất cần nhiều hơn nữa hệ thống các nhà máy chế biến, nhà máy sơ chế, để đến khi gặp bất kỳ vấn đề gì, chúng ta không cần phải “giải cứu” nông sản.
Không chỉ vậy, chẳng hạn như XK gạo sẽ vẫn phải xin giấy phép, theo các DN là rất phi lý. Dù Việt Nam XK gạo nhưng các sản phẩm chế biến về gạo còn cực kỳ nghèo nàn, trong khi sang Nhật Bản hay Đài Loan (Trung Quốc) sẽ thấy chỉ với mỗi bánh gạo đã có đến cả ngàn sản phẩm có liên quan.
Từ đó để đặt câu hỏi: Làm thế nào để ngành gạo Việt phát triển bền vững? Nhiều DN thuộc khối tư nhân đầu tư vào nông nghiệp cho biết, họ vẫn rất đau đáu khi người nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long khá vất vả, không được hưởng lợi nhiều. Trong khi đó, để làm gì để thay đổi tình trạng này vẫn đang là bài toán khó!
Thế Vinh