Báo cáo kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2023 vừa được CTCP FPT công bố cho thấy con số rất ấn tượng: doanh thu đạt 28.429 tỷ đồng và lãi trước thuế 5.069 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 22% và 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ấn tượng xuất khẩu phần mềm
Đó là kết quả mà bất kỳ doanh nghiệp (DN) hàng đầu nào ở Việt Nam cũng đang ao ước trong bối cảnh đầy khó khăn như hiện nay. Thế nhưng, với một DN có vị thế công nghệ hàng đầu và dẫn dắt nền kinh tế số tại Việt Nam như FPT thì doanh thu và lợi nhuận tốt như vậy được cho là lẽ đương nhiên.
Các DN công nghệ cần vượt qua “tư duy sản xuất” chuyển sang “tư duy thiết kế sáng tạo” để là trụ cột hàng đầu cho nền kinh tế số của Việt Nam. |
Nhất là nhìn vào triển vọng xuất khẩu (XK) phần mềm của DN này. Năm nay, FPT dự kiến XK phần mềm sẽ đạt mốc 1 tỷ USD dựa trên cơ hội có mặt ở tất cả các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu, châu Á, Mỹ Latin cũng như năng lực và nguồn lực nội tại của đơn vị chủ lực là FPT Software.
Hồi đầu năm nay, khi nói về mục tiêu XK nêu trên, ông Đỗ Cao Bảo, Ủy viên HĐQT của FPT cho biết, cơ sở dễ nhìn thấy nhất là hồi năm 2022, tổng giá trị các hợp đồng FPT Software ký được đã đạt 1 tỷ USD, tức kế hoạch 1 tỷ USD doanh số năm 2023 chỉ đúng bằng tổng giá trị các hợp đồng đã ký năm 2022.
Bên cạnh đó, theo ông Bảo, trong FPT thì FPT Software là công ty đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất, lại có thị trường toàn cầu 8 tỷ dân, gọi là thị trường không giới hạn, tức thị trường lớn đến mức không đủ sức để làm.
Xét về giá trị thu được từ XK phần mềm của Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng so với các sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp (ô tô, điện thoại, máy tính, may mặc, giày dép, túi xách, máy móc phụ tùng) có giá trị gia tăng thấp thì giá trị gia tăng của dịch vụ phần mềm XK rất cao, lên đến 84% - gấp gần 4 lần giá trị gia tăng của nhóm hàng sản xuất hàng công nghiệp.
Theo đó, 1 tỷ USD XK phần mềm tương đương với gần 4 tỷ USD XK các mặt hàng công nghiệp. Điều đáng mừng là Việt Nam hiện có khoảng 1.400 DN công nghệ đã có sản phẩm đi ra thị trường toàn cầu. Tính đến nay, đã có hơn 80% DN công nghệ của Việt Nam đều có khách hàng là nước ngoài, trong đó thị trường XK chính là Mỹ, Australia, Canada, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tuy vậy, hoạt động XK phần mềm của Việt Nam vẫn còn việc phải làm. Đó là cần nỗ lực nhiều hơn để chuyển sang cung cấp các giải pháp trọn gói trong lĩnh vực phần mềm thay vì gia công (chỉ nhận làm một quy trình trong khâu sản xuất phần mềm).
Hơn nữa, các DN cần đảm bảo có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc thiếu nhân lực vẫn đang một trở ngại làm giảm năng lực cạnh tranh cho DN khi XK phần mềm.
Triển vọng vươn xa trên thị trường game
Ngoài lĩnh vực XK phần mềm, những thông tin mới đây trong lĩnh vực kinh tế số ở Việt Nam cũng cho thấy cơ hội thu về tỷ đô từ hoạt động XK game là rất lớn.
Theo báo cáo của công ty theo dõi dữ liệu DataAI & AppMagic, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 5 trong danh sách các quốc gia hàng đầu về sản xuất game trên toàn cầu. Trong quý đầu tiên của năm 2023, đã có 4,2 tỷ lượt tải xuống ứng dụng do các nhà phát triển game Việt Nam sáng tạo ra. Sự gia tăng đột biến về lượt người dùng và số lượng game xuất hiện trên thị trường cũng cho thấy vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong ngành trò chơi điện tử toàn cầu.
Báo cáo cũng cho thấy Việt Nam đang tăng trưởng nhanh gấp 2,5 lần so với các quốc gia khác trên thế giới. Năm 2022, doanh thu từ tính năng mua trực tiếp trong ứng dụng (In App Purchase) ở các ứng dụng do Việt Nam phát triển đã tăng 20%, trong bối cảnh doanh thu toàn cầu trong mảng này lại giảm 2%.
Đáng chú ý, có đến 93 công ty phát triển game và ứng dụng tại Việt Nam sở hữu 171 ứng dụng từng ít nhất một lần thành công lọt vào bảng xếp hạng top 10 ứng dụng được tải xuống nhiều hằng tuần trên Play Store.
Ngành công nghiệp game Việt Nam được cho là đang trong giai đoạn nở rộ. Cách đây 3 năm, tổng doanh thu của ngành này cán mốc 12.000 tỷ đồng (khoảng 530 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015) và đặt mục tiêu lên tới 1 tỷ USD trong vòng 5 năm nữa.
Nhóm nghiên cứu của Đại học RMIT gồm Ts. Renusha Athugala, thạc sĩ Hoàng Bảo Long và thạc sĩ Christian Berg nhận định ngành game Việt Nam có tiềm năng trở thành trụ cột hàng đầu của nền kinh tế kỹ thuật số và xây dựng vị thế nổi trội trên thị trường game toàn cầu.
Song để làm được điều này, Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào đào tạo bài bản những nhà thiết kế game với tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, cũng như đầy đủ khả năng thích ứng với công nghệ mới và xu hướng thị trường.
Nhóm chuyên gia của RMIT dẫn khảo sát do công ty LacBird Co. (một startup về nghiên cứu trải nghiệm người dùng và phát triển ứng dụng công nghệ) thực hiện chỉ ra rằng hầu hết các studio game ở Việt Nam đang hoạt động với mô hình gia công phần mềm. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt các nhà thiết kế game có kỹ năng tạo ra một game hoàn chỉnh từ những bước đầu cho đến thành phẩm.
Mặt khác, nhiều game của Việt Nam được tạo ra bởi các nhà lập trình game thiếu tư duy vượt khuôn khổ, dẫn đến việc họ bị hạn chế trong khả năng đổi mới sáng tạo và sản phẩm ra lò thiếu tính độc đáo. Do đó, với trọng tâm phát triển game là nhân bản và gia công phần mềm, nhiều studio game Việt có thể kiếm tiền nhanh chóng nhưng khó có thể bứt phá trên thị trường toàn cầu.
Chính vì vậy, các chuyên gia của RMIT lưu ý điều mà các nhà lập trình game Việt Nam phải vượt qua chính là “tư duy sản xuất”. Theo đó, nếu muốn ngành thiết kế game Việt đứng vững và trở thành một phần của ngành công nghiệp game toàn cầu cũng như tạo ra được các game độc đáo, đòi hỏi cần chuyển “tư duy sản xuất” thành “tư duy thiết kế sáng tạo”.
Nói chung, nhìn từ hoạt động XK phần mềm cho đến “cửa sáng” của XK ngành game sẽ thấy đó là những “mỏ vàng” tỷ đô mà các DN công nghệ cần tiếp tục có những bước tiến lớn hơn nữa, khắc phục những yếu tố thiếu hụt, có nguồn nhân lực chất lượng cao để là “trụ cột” cho kinh tế số của Việt Nam.
Thế Vinh