Với góc nhìn của một doanh nghiệp (DN) hàng đầu của tỉnh Bến Tre về xuất khẩu (XK) các sản phẩm dừa, Công ty TNHH Lương Quới cho biết các DN chủ lực của ngành dừa Việt đang ráo riết đầu tư công nghệ để hội nhập và bước vào “đường đua” thị trường dừa trong thời gian tới.
Khẳng định vị thế của mình
Nhất là trước khả năng ký Nghị định thư xuất khẩu (XK) dừa tươi chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp ngành hàng dừa của Việt có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD. Bởi lẽ, theo Công ty Lương Quới, so với thế giới, diện tích và sản lượng trồng dừa ở Việt Nam đứng hạng thứ 5, năng suất đứng hạng 3 và giá trị kim ngạch XK đứng hạng 4. Với giá trị kim ngạch XK dừa và các sản phẩm liên quan đạt hơn 900 triệu USD/năm từ cách đây 2 năm, cây dừa khẳng định vị trí của mình đối với ngành chế biến trong nước.
Ngành dừa Việt cần được nâng tầm chuỗi giá trị để tiến xa hơn trên thị trường toàn cầu. |
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp ở một số địa phương có thế mạnh về vùng nguyên liệu dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang tập trung hỗ trợ các DN đăng ký thực hiện mã số vùng trồng, để khi có ký kết Hiệp định thư chính thức DN dừa chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ có đủ điều kiện để đáp ứng cho các DN.
Đơn cử như ở tỉnh Trà Vinh, theo một lãnh đạo của Sở NN&PTNT tỉnh này, đối với việc cấp mã số vùng trồng dừa, đây là điều kiện bắt buộc cho các sản phẩm nông sản XK, nhất là sau khi Trung Quốc có Nghị định thư XK dừa chính ngạch.
Hiện tỉnh Trà Vinh có 19 mã số vùng trồng dừa nội địa với diện tích 1.410,2 ha, và 9 vùng trồng đang đề xuất cấp mã số vùng trồng dừa xuất sang thị trường Trung Quốc khoảng 1.241,6 ha.
Tỉnh này đang khuyến khích, ưu tiên DN có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ tốt cả trong nước và XK để xây dựng nhà máy chế biến, phát triển liên kết với người sản xuất, cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện thu gom, sơ chế và chế biến dừa trên địa bàn tỉnh.
Xét về quy mô tham gia của DN trong hoạt động XK dừa, dữ liệu cho thấy cả nước có hơn 90 DN xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 DN đã XK những sản phẩm chế biến sâu mang thương hiệu Việt Nam.
Và điều kỳ vọng là sau khi có Nghị định thư XK chính ngạch vào Trung Quốc thì số DN xuất khẩu dừa sẽ tiếp tục có những thay đổi tích cực hơn nữa. Bởi lẽ, Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng vì mỗi năm sử dụng tới 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến. Với lợi thế về khoảng cách địa lý, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm dừa của Việt Nam được cho là sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác.
Bên cạnh cơ hội sẽ mở ra từ nghị định nêu trên, đại diện Công ty TNHH Lương Quới cho rằng các DN liên quan ngành hàng dừa cần không ngừng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm để đưa trái dừa Việt Nam đi xa hơn trên thị trường quốc tế. Và các định hướng phát triển cần chủ động hướng đến sự cân bằng về công nghệ, nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ.
Trong cả nước hiện có khoảng 854 DN sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau. Việc phát triển đa ngành và mang tính đầu tư bài bản sẽ ngày càng giúp công nghệ chế biến dừa Việt Nam có vị thế đứng trên thị trường quốc tế như hiện tại và trong tương lai.
Phải nâng tầm chuỗi giá trị dừa
Còn theo nhóm nghiên cứu Nguyễn Phú Son, Lê Thị Thanh Hiếu, Lê Bửu Minh Quân thuộc Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ, với 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam có được sẽ mở ra cơ hội mới cho ngành dừa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với thị trường XK, một số sản phẩm dừa có tốc độ tăng trưởng và tiềm năng phát triển cao như: Dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, nước dừa đóng hộp, nước cốt dừa.
Bàn về giải pháp để đưa ngành dừa vùng ĐBSCL (là vùng có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với khoảng 171 nghìn ha, chiếm 88% diện tích dừa cả nước) tiến sâu hơn trên thị trường toàn cầu, nhóm nghiên cứu nêu trên nhấn mạnh điều quan trọng là cần đẩy mạnh sản xuất và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, đặc biệt các sản phẩm chế biến sâu. Hơn nữa, vùng ĐBSCL cần phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong khâu sản xuất dừa, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho ngành dừa trong vùng.
Nhóm nghiên cứu này cũng lưu ý qua thảo luận nhóm với Sở NN&PTNT của 4 tỉnh hàng đầu về trồng dừa ở ĐBSCL là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long, cho thấy hiện tại đối với ngành hàng dừa chưa có được hệ thống thông tin để cập nhật và hệ thống hóa những thông tin cơ bản trong sản xuất (diện tích, năng suất, sản lượng, giá cả...). Điều này đã làm hạn chế trong khâu quy hoạch sản xuất, tiêu thụ và kêu gọi đầu tư ở ngành dừa.
Giới chuyên gia cho rằng để mở lối cho ngành dừa Việt bước vào đường đua thị trường XK để mang về kim ngạch hàng năm trên 1 tỷ USD thì điều cần làm là phải nâng cao cho được chuỗi giá trị dừa. Điều này đòi hỏi các địa phương có thế mạnh về vùng nguyên liệu dừa phải khắc phục được những mặt hạn chế mà ngành hàng này đang phải đối mặt.
Nhất là vấn đề về liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong ngành dừa vẫn còn rời rạc. Chưa kể, theo Cục Sở hữu Trí tuệ, mặc dù hiện nay đã có gần 2.800 nhãn hiệu dừa, nhãn hiệu dừa tập thể đã nộp đơn xin cấp quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên,việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu của các chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn còn hạn chế về kiến thức pháp luật, làm thị trường, kỹ năng kiểm soát nội bộ ...). Do vậy vẫn chưa khai thác được đầy đủ và hiệu quả tài sản nhãn hiệu, thương hiệu sẵn có.
Còn theo đại diện của Công ty TNHH Lương Quới, các DN trong ngành dừa cần phải luôn cập nhật công nghệ mới, sản phẩm mới. Xem đây là cách để DN định hình xu hướng thị trường. Không chỉ tìm ra hướng đi mới trong quá trình phát triển, đa dạng hóa sản phẩm mà đôi khi còn là cách đi tắt đón đầu thị trường.
“Công nghệ là cụm từ hoàn hảo đi đôi với việc gia tăng giá trị trái dừa trong thời gian vừa qua và cả trong tương lai”, đại diện của nhà XK dừa hàng đầu ở Bến Tre nhấn mạnh.
Thế Vinh