Ngày 5/3, Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Dịch bệnh gia súc, gia cầm gia tăng
Báo cáo cho biết, về bệnh cúm gia cầm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 43 ổ dịch (38 ổ dịch do vi rút cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do vi rút cúm A/H5N1) tại 13 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Dương và Trà Vinh), tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy là 137.180 con.
Tổng số gia súc, gia cầm bị tiêu hủy vì dịch bệnh tăng mạnh (Ảnh: Internet) |
Hiện nay, cả nước có 37 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 32 ổ dịch do H5N6 và 5 ổ dịch do H5N1) tại 11 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Đáng chú ý, tất cả các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi có đàn gia cầm chưa được tiêm phòng; đặc biệt trên các đàn vịt của các hộ mới chuyển sang nuôi gia cầm (trước đó nuôi lợn).
Với bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước chỉ phát sinh thêm 24 ổ dịch làm 19.472 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy. Hiện nay, cả nước còn 206 xã thuộc 79 huyện của 28 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày.
Với bệnh lở mồm long móng gia súc, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 114 ổ dịch tại 25 huyện của 11 tỉnh (Quảng Ninh, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Nai, Tiền Giang, Kon Tum). Số gia súc bệnh là 4.044 con, trong đó số gia súc chết là 117 con. Hiện nay, cả nước có 111 ổ dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày tại 9 tỉnh, với số gia súc chưa khỏi bệnh lâm sàng là 1.173 con.
Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT lo ngại nguy cơ dịch lở mồm long móng tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt đối với đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch thì dịch bệnh có thể xảy ra.
Tương tự, nguy cơ dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra là cao, do bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh..., chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, mật độ rất cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; thời tiết thay đổi bất lợi, gia tăng vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ lợn vào đầu năm 2020.
Thiếu vắng thú y cơ sở
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo rất cụ thể; đồng thời chỉ đạo thành lập các đoàn công tác đến các địa phương có dịch, địa phương nguy cơ cao để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra tại một số địa phương cho thấy còn nhiều tồn tại, bất cập.
Trong đó phải kể tới hệ thống thú y cơ sở, nhất là thú y cấp thôn, xã, huyện ở nhiều nơi không còn hoặc đã sáp nhập thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp nhưng không nắm được tình hình, không báo cáo đến cơ quan chuyên môn cấp trên để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, xử lý các ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật; khoanh vùng, cảnh báo và quản lý ổ dịch còn khó khăn.
Thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện, đặc biệt tại tuyến cơ sở; chính quyền và cơ quan chuyên môn tại một số địa phương (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa) chưa chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch.
Việc tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ thấp, nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm chỉ đạt khoảng 10-20%, thậm chí chỉ khi xuất hiện dịch mới làm thủ tục xin kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng, mặc dù tháng 10 hằng năm, Bộ NN&PTNT đều có văn bản đôn đốc các tỉnh xây dựng, phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, trong đó có kế hoạch mua vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đề xuất, Thủ tướng xem xét ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo về hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y sau khi các địa phương thực hiện việc sáp nhập, cắt giảm lực lượng làm công tác thú y tại cơ sở; từ đó đề xuất giải pháp kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34- CT/TW ngày 20/5/2019 để bảo đảm lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả; xây dựng và trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực ngành thú y giai đoạn 2020 - 2030.
Lê Thúy