Hồ tiêu là một trong những mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực sang thị trường châu Âu (EU) với sản lượng xấp xỉ 40.000 tấn/năm. Thế nhưng hồi năm ngoái, hồ tiêu Việt Nam đã bị EU đã cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (cách đây 2 năm có 17 lô hàng XK hồ tiêu bị EU phát hiện chứa dư lượng của 9 loại thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định).
Vì sao bị từ chối?
Đây là nguyên do khiến một số quốc gia EU chuyển sang nhập hồ tiêu từ Ấn Độ, Brazil. Bà Marieke Van Der Pijl, chuyên gia Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho biết thời gian qua có nhiều lô hàng hóa nông sản, thực phẩm từ Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào EU do vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh hay kim loại nặng.
"Thực sự tôi thấy rất đáng tiếc về việc này. Do tiêu chuẩn của mỗi quốc gia nhập khẩu ở EU thường có sự khác nhau và ở mức cao hơn so với những chứng nhận mà các doanh nghiệp (DN) XK nông sản, thực phẩm đã có tại Việt Nam", bà Marieke nhấn mạnh.
Chia sẻ với các DN trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm ở Tp.HCM vào cuối tuần qua, chuyên gia của Eurocham cho rằng ngoài việc bị từ chối những lô hàng nông sản, thực phẩm do có chứa những chất gây hại thì còn liên quan đến vấn đề dây chuyền lạnh (quá trình quản lý nhiệt độ của các sản phẩm nông sản, thực phẩm) khi vận chuyển hàng hóa qua một chặng đường dài từ Việt Nam sang EU.
Các DN cần làm sao để đảm bảo dây chuyền lạnh không bị đứt quãng; khi đóng gói sản phẩm phải chú ý để vi khuẩn không xâm nhập được, nhằm có thể bảo quản cho cả quá trình vận chuyển.
Rau quả Việt Nam hiện chiếm thị phần khiêm tốn khoảng 1% trong lượng nhập khẩu rau quả của EU. Tuy nhiên, EU lại đang gia tăng tần suất kiểm tra với rau quả Việt Nam, như tần suất kiểm tra thanh long tăng lên 20%, các loại rau gia vị tăng lên 50%…
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Marieke cho biết khả năng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có thể chính thức thông qua vào cuối năm nay sẽ mang lại thêm nhiều cơ hội XK cho nông sản Việt để cải thiện về mặt chất lượng, ATTP và nâng cao giá trị nông sản.
Nông sản Việt Nam gặp khó tại thị trường EU cần được "bắt đúng bệnh" |
Cần đồng bộ hóa
"Đa phần những công ty về nông sản ở Việt Nam có quy mô khá nhỏ, tuy nhiên điều quan trọng là các DN XK cần làm tốt công tác nghiên cứu thị trường EU nhằm xác định lợi thế cạnh tranh của mình ở đâu. Đặc biệt là cần quan tâm đến vấn đề vận chuyển sản phẩm", bà Marieke khuyến nghị.
Đơn cử như trái xoài, theo vị chuyên gia này, trong một hộp bao bì của DN Việt khi XK để chứa quá nhiều trái nên trong quá trình vận chuyển có thể sẽ bị dập và không đảm bảo chất lượng nữa.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Huy, Giám đốc Thực phẩm Bureau Veritas Việt Nam, việc nhận biết lô hàng nông sản, thực phẩm XK có chứng nhận GlobaGAP hay lô hàng không có chứng nhận cũng là yêu cầu bắt buộc với DN.
Một yêu cầu quan trọng khác, đó là truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu và chứng minh về cân bằng khối lượng của nguyên liệu chứng nhận và thành phẩm chứng nhận. Ông Huy cho rằng điều này sẽ giúp DN chứng minh với khách hàng EU khả năng truy xuất nguồn gốc về nguồn nguyên liệu được chứng nhận.
Bên cạnh đó, cần chú ý trong Sách trắng hồi năm ngoái, liên quan đến ngành nông sản, thực phẩm, Eurocham có lưu ý về những vấn đề tồn tại của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O).
Chẳng hạn, một DN Việt XK các sản phẩm làm từ các loại trái cây trồng trong nước phải cung cấp C/O cho quốc gia nhập khẩu.
Đơn cử, lô hàng vận chuyển sản phẩm được làm từ 20 loại trái cây khác nhau và các nguyên liệu khác, được mua từ 50 nhà cung cấp (tổng cộng có 850 nông hộ nhỏ).
Trong câu chuyện này, khó khăn thứ nhất là nhà sản xuất không thể lấy nguồn cung trực tiếp từ nông dân, thứ hai là nông dân không thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, việc cấp C/O đòi hỏi phải trình hóa đơn của tất cả 50 nhà cung cấp đối với toàn bộ 20 sản phẩm. Quan trọng hơn cả, các cơ quan quản lý ở địa phương còn yêu cầu phải có công văn cam kết của từng nhà cung cấp đảm bảo nguyên liệu thô của nhà cung cấp có nguồn gốc từ Việt Nam vì hiện nay có nhiều DN mua nguyên liệu thô của nước ngoài và trộn với các sản phẩm Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, quy trình xin cấp C/O mất nhiều thời gian và không hiệu quả, gây cản trở hoạt động XK vì thời gian gửi sản phẩm đi còn ngắn hơn thời gian xin cấp C/O. Do đó, khách hàng sẽ nhập khẩu những sản phẩm tương tự từ các quốc gia có thời gian thông quan nhanh hơn.
Vì vậy, rất cần một giải pháp thay thế, nhất là cần "đồng bộ hóa" các quy định của Việt Nam theo các cam kết EVFTA. Đặc biệt, cần áp dụng quy trình dựa trên độ tín nhiệm để cấp lại C/O sau khi đã được cấp cho một sản phẩm nhất định cho một khách hàng nhất định để tránh tình trạng phải trình lại hồ sơ chứng từ.
Thế Vinh