Tại một hội nghị về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu (XK) mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đã thốt lên: nếu các địa phương cứ tiếp tục không cấp phép các dự án đầu tư vào dệt nhuộm, ngành dệt may sẽ mãi chịu kiếp gia công.
Phụ thuộc nguyên liệu nhập
Tổng kim ngạch XK hàng dệt may Việt Nam quý I/2018 ước đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, XK may mặc đạt 5,98 tỷ USD, tăng 12,49%; XK vải đạt 335 triệu USD, tăng 20,5%, XK xơ sợi đạt 906 triệu USD, tăng 16,5%; XK vải không dệt đạt 129 triệu USD, tăng 10,26%, XK nguyên phụ liệu đạt 272 triệu USD, tăng 16,68%.
Ông Cẩm đánh giá: Đây là mức tăng trưởng lý tưởng khi tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1-2%, thậm chí không thay đổi, chưa kể cạnh tranh trên thị trường dệt may toàn cầu ngày càng gay gắt.
Thị trường là điều không lo, song vấn đề mà ngành dệt may trăn trở nhất là thách thức nội bộ ngành. Theo VITAS, phát triển ngành dệt may hiện nay mất cân đối, khâu yếu nhất là thượng nguồn (kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất).
Cụ thể, năm 2017, sợi sản xuất trên 1,4 triệu tấn nhưng đến 90% XK, vì vậy lại nhập khẩu (NK) 876 ngàn tấn (chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan) về sản xuất.
Đồng thời, nguồn vải cho may XK chủ yếu là NK (chiếm trên 80% nhu cầu, trong đó Trung Quốc chiếm 50% tổng giá trị, Hàn Quốc: 18%, Đài Loan: 15%), tạo ra tình trạng nghẽn tại khâu nhuộm, dẫn tới tỷ lệ gia tăng thêm của may mới đạt khoảng 50%.
Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, việc NK quá nhiều nguyên liệu sẽ khiến ngành dệt may bị phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu giá cả bấp bênh vì thay đổi từng ngày theo giá thế giới.
Đó là chưa kể, chi phí lao động tăng cao, chi phí giao nhận, logistics cao, giấy phép con cũng còn nhiều dẫn đến tình trạng cạnh tranh ngành may mặc suy giảm.
Cùng với đó, dự báo của các chuyên gia cho thấy để có thể theo kịp đà tăng trưởng chung của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đến năm 2025, ngành dệt may Việt Nam cần tới 12 tỷ m2 vải. Nếu không nhanh chóng đầu tư vào khâu sản xuất vải, “nút thắt cổ chai” về nguyên phụ liệu sẽ ngày càng bị nghẽn chặt hơn.
Ngành dệt may cần nguyên liệu trong nước, tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều dự án đầu tư vào dệt nhuộm lại bị ách tắc. Ông Cẩm cho biết có tình trạng một số tỉnh bác bỏ, trì hoãn cấp phép cho các dự án đầu tư vào dệt nhuộm, như dự án của Tập đoàn TAL Hong Kong xin đầu tư vào dệt nhuộm ở Khu công nghiệp Bá Thiện 2 tại tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng đầu tư 350 triệu USD.
“Giải phóng xong mặt bằng, đến nay vẫn chưa được cấp phép, dù Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ TN&MT đã đồng ý. Nếu các địa phương không cấp phép, ngành dệt may vẫn chủ yếu gia công, làm gì có sợi, vải mà XK”, ông Cẩm nói.
Ngành dệt may thiếu nguyên phụ liệu nhưng nhiều dự án đầu tư vẫn bị trì hoãn |
Tăng đầu tư cho dệt, nhuộm
Thực tế, thống kê của ngành dệt may cho thấy lĩnh vực dệt, nhuộm chỉ chiếm 8,3% tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành dệt may, trong khi hơn 90% đầu tư vào may.
Theo VITAS, nếu các địa phương không hỗ trợ cấp phép thì việc tạo ra chuỗi cung ứng, đáp ứng quy định xuất xứ để được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (yêu cầu xuất xứ từ vải), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (yêu cầu xuất xứ từ sợi) là vấn đề xa vời.
Vì vậy, VITAS đề nghị các tỉnh tạo điều kiện cấp phép cho các dự án đầu tư vào dệt nhuộm, ưu tiên các doanh nghiệp (DN) đầu tư công nghệ hiện đại xử lý nước thải.
Ngoài ra, Bộ Tài chính nghiên cứu để DN sử dụng vải trong nước sản xuất hàng XK không phải nộp thuế VAT để khuyến khích sử dụng vải trong nước nhằm bình đẳng với vải NK để gia công XK.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố “không kỳ thị và không ngăn cản ngành dệt nhuộm như hiện nay, cần có chính sách nhất quán và thân thiện hơn đối với đầu tư dệt – nhuộm – thành phẩm, bởi hoàn toàn có thể bảo vệ môi trường thông qua áp dụng các yêu cầu cao về xử lý nước thải.
“Đây là yếu tố cốt lõi để ngành dệt may có thể đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong sản phẩm XK”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ở góc độ địa phương, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ, cho rằng các địa phương rất muốn thu hút DN vào đầu tư, nhưng đối với các dự án dệt nhuộm, địa phương cần Chính phủ, Bộ TN&MT thẩm định dự án.
“Nếu dự án đó đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, cần đưa ra kết luận thông báo tới địa phương để chúng tôi yên tâm. Các bộ, ngành không nên bắt địa phương phải tự tìm hiểu vì trình độ thẩm định, công nghệ của địa phương có hạn”, ông Nam chia sẻ.
Không chỉ DN FDI, với các DN nội địa, các chuyên gia ngành may mặc cũng kiến nghị cần có giải pháp để thu hút DN đầu tư vào ngành dệt may. Hiện, chính sách hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có bông sợi từ Nhà nước và cơ quan quản lý là có, tuy nhiên còn rất chung chung và chưa sát sườn, hay nói cách khác là khi tận dụng chính sách về đến DN là rất yếu.
Đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết hiện nay, DN bông sợi đang loay hoay tìm nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải. Tiêu chuẩn xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường đã lên tiêu chuẩn 175 cột A.
Muốn đạt được điều này phải đầu tư hệ thống nhà máy xử lý nước thải đủ hiện đại để đáp ứng tiêu chuẩn xả thải trước khi ra môi trường và có công suất đủ lớn, vì vậy DN cần được hỗ trợ vay vốn.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Để gỡ được nút thắt trong khâu nhuộm hoàn tất chỉ có thể trông chờ vào khu vực tư nhân. Động lực để DN đầu tư mạnh vào khâu nhuộm thì trước tiên cần những chính sách ưu đãi đúng mức dành cho lĩnh vực này. Nhà nước có thể đầu tư cho DN sợi theo dạng ODA, với thời gian dài và lãi suất thấp, DN có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng, mà Nhà nước cũng vẫn thu được lại được tiền. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương Bộ Tài chính nên nghiên cứu hướng sửa đổi các luật thuế để có sự đối xử công bằng hơn giữa vật tư, nguyên liệu NK và vật tư, nguyên liệu sản xuất trong nước. Chính sách thuế như hiện nay đang dành ưu ái lớn hơn cho vật tư, nguyên liệu NK để sản xuất hàng XK nên các DN XK thiên về NK nguyên vật liệu từ bên ngoài thay vì mua trong nước. Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Nhà nước cần thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may ba miền Bắc, Trung, Nam để kêu gọi và thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, tránh chồng chéo, cạnh tranh tuyển lao động; Hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp này; Không khuyến khích DN FDI đầu tư vào sợi, may. |